Chủ nhật, 24/11/2024 08:00 (GMT+7)
Thứ năm, 11/05/2023 15:20 (GMT+7)

Năm 2022, kinh phí và vốn nhà nước tiết kiệm được gần 54.000 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, số kinh phí đã tiết kiệm được trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước là gần 54.000 tỷ đồng; nhiều Bộ, ngành địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao.

Ngày 11/5, trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), năm 2022 thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán; chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Năm 2022, kinh phí và vốn nhà nước tiết kiệm được gần 54.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo báo cáo.

Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.

Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.

Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 309 tỷ đồng (trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước 278 tỷ đồng). Tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.

Do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.

Trong năm 2022, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 8514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất.

"Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP. Bên cạnh đó, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác THTK, CLP khi đạt được nhiều kết quả và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội đã có giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc lãng phí, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công, nhất là thủ tục hành chính của các bộ, ngành, các địa phương còn gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân…

Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, đánh giá rõ về chuyển biến trong nhận thức và hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm trong từng vấn đề.

Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, có giải pháp đẩy mạnh THTK, CLP; tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Năm 2022, kinh phí và vốn nhà nước tiết kiệm được gần 54.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới