Năm 2022, phấn đấu dự toán thu nội địa tăng 6-8%
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 6-8%.
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.
Dự thảo nêu rõ, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 phải được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc xây dựng dự toán thu năm 2022 bám sát tình hình kinh tế-xã hội, tài chính thế giới và trong nước trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.
Trong xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022, tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (NSĐP), (tỉ lệ cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chính thức sau) như sau:
Về số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và NSĐP; 62,8% số thu điều tiết 100% về ngân sách Trung ương.
Về số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản: Đối với trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan Trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách Trung ương, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho NSĐP.
Đối với xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.
Đồng thời xét đến các yếu tố tác động như: Dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2022…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Lan Phương