Chủ nhật, 24/11/2024 10:34 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 06:30 (GMT+7)

Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro

Theo dõi KTMT trên

"Bùng nổ" đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư đổ xô lên sàn. Ồ ạt tài khoản chứng khoán mở mới. Bất động sản trong cơn sốt "lên đồng". Hàng loạt những thông tin cập nhật tình hình và xu hướng đầu tư trong những tháng đầu năm 2021.

Nhà đầu tư trong nước đang đứng trước những cơ hội lớn khi nền kinh tế dần hồi phục và kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo nhiều triển vọng tươi sáng hơn. Tuy nhiên, những biến động liên tục của các kênh đầu tư cho thấy, việc tìm lời giải từ dòng chảy của tiền và nắm bắt cơ hội đầu tư là câu chuyện không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh chứng khoán, vàng và bất động sản cùng "nhảy múa" và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro - Ảnh 1
Nhiều người chọn bất động sản là kênh đầu tư đầu năm 2021. (Ảnh : Đức Anh)

Chứng khoán "đón sóng F0"

Nếu coi thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế thì có thể nhìn thấy sự khởi sắc khi từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số VN-Index đã bốn lần chạm ngưỡng 1.200 điểm và đã có thời điểm vượt qua ngưỡng này. Thanh khoản hằng ngày đang cho thấy ở mức cao nhất lịch sử với hơn một tỉ cổ phiếu giao dịch mỗi phiên và giá trị giao dịch cũng lên đến 700 triệu USD/phiên. Thực tế, với đà tăng kéo dài suốt từ đầu tháng 4-2020 đã đẩy chỉ số, cùng với thanh khoản liên tục lập đỉnh lịch sử, nhiều phiên đạt tới cả tỉ USD. Giới quản lý và chuyên gia cho rằng, nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ, 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường chứng khoán lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, sự bùng nổ của kênh đầu tư này đến từ việc có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường với "nick name" là F0. Sang năm 2021, số tài khoản cá nhân mở mới của nhà đầu tư trong nước liên tục phá kỷ lục đã giúp VN-Index liên tiếp lập các mốc lịch sử. Tính đến cuối tháng 3-2021, số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tăng vọt lên mức 113.191, cao nhất trong lịch sử giao dịch. Số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5-2018.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã chiếm tới 90 - 95% trong giao dịch hằng ngày. Thanh khoản thị trường tăng vọt, trung bình mỗi phiên gần đây thanh khoản đã lên tới cả tỉ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, các F0 tham gia thị trường khi lãi suất tiết kiệm hạ xuống mức thấp và kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đa phần các nhà đầu tư mới đầu tư theo trào lưu vì họ có nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong khi lãi suất ngân hàng thấp và không biết lựa chọn kênh đầu tư nào khác. Nhiều nhà đầu tư mới chưa có kiến thức đầu tư. Điều này có thể gây ra những rủi ro nhất định cho thị trường vì tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thường rất yếu. Khi có cú đảo chiều, có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư đua nhau bán ra cổ phiếu khiến thị trường có những cú "sập" mạnh...

Bất động sản "nhảy múa"

Nếu như trước đây cụm từ "lướt sóng" thường dùng để chỉ trạng thái đầu cơ của các nhà đầu tư chứng khoán thì năm nay cụm từ này lại được sử dụng nhiều với các nhà đầu tư bất động sản. Cơn sốt đất diễn ra trên nhiều vùng miền của dải đất hình chữ S liên quan trực tiếp đến việc thu hút dòng tiền dịch chuyển từ chốt lời chứng khoán, từ các kênh đầu tư khác như tiền ảo, vàng, từ dòng tiền nhàn rỗi trong nhân dân và từ các khoản vay tín dụng khác tham gia vào thị trường bất động sản.

Người dân xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) thời gian qua chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy ở đây khi dòng người nườm nượp kéo về xem đất "đông như trẩy hội", họp thành "chợ đất" giữa đồng. Giá đất bị đẩy lên từng giờ và cao hơn nhiều lần so với năm tháng trước đây nhưng vẫn nhộn nhịp mua bán. Không chỉ ở Hà Nội, thời gian qua, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi được cho là có sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, quy hoạch hay đầu tư khu công nghiệp...

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: "Nhìn từ góc độ nhà quản lý, chúng tôi nhận thấy cơn sốt đất thường có chu kỳ khoảng 10 năm và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đai để đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân; trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng từ yếu tố quy hoạch".

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn mà bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.

Sau chứng khoán và bất động sản, vàng cũng có một năm biến động mạnh trên cả thị trường thế giới và trong nước. Điều này được xem là dễ hiểu bởi theo quy luật thì đây là kênh ẩn náu an toàn khi thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động. Theo bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), từ những khảo sát của các chuyên gia và dự báo của các tổ chức tài chính thế giới thì 85% ý kiến cho rằng giá vàng tiếp tục biến động mạnh trong năm 2021. Ngay tại thị trường Việt Nam, giá vàng sẽ tiếp tục xoay quanh mức 50-60 triệu đồng/lượng.

Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro - Ảnh 2
Khách hàng theo dõi bảng giao dịch chứng khoán tại sàn giao dịch Vietcombank (VCBS). (Ảnh: Phạm Hưng)

Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro

Theo ông Lê Ngọc Nam, Trưởng bộ phận tư vấn Công ty Chứng khoán Tân Việt, cơ hội của kênh đầu tư chứng khoán năm 2021 được dự báo là khả quan bởi nội tại của nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt, cùng với đó là sự trở lại của các dòng tiền đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng trước mỗi quyết định đầu tư bởi những tác động từ yếu tố bên ngoài liên quan đến dịch bệnh.

Cũng giống như thị trường chứng khoán, kênh đầu tư bất động sản với những cơn sốt như "lên đồng" thời gian qua cũng khiến các chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo. Luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng, hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến nguy cơ cao của tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.

Mặt khác, những giai đoạn sốt nóng là thời điểm các đối tượng tội phạm, lừa đảo tích cực hoạt động; người mua bất động sản thường dễ bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc trong các quyết định mua hàng. Vì vậy, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên tìm hiểu kỹ thông tin, cẩn trọng về tính pháp lý của sản phẩm để hạn chế rủi ro cho khoản đầu tư của mình.

Về những vấn đề liên quan đến tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước với những cảnh báo thường xuyên, kịp thời của các tổ chức tín dụng.

Trong cuộc làm việc mới đây với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý bảo đảm dòng vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thật sự của người dân, tránh đầu cơ.

Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư trong năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ, từ đó có thể tự xác định về những cơ hội, khó khăn trong diễn biến kinh tế nói chung và tự nhận diện cho mình một kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2021.

"Nắm cơ hội, sàng lọc rủi ro và nên lựa chọn đầu tư theo tỉ lệ hợp lý trong một quá trình tương đối lâu dài, lúc đó độ an toàn sẽ cao hơn", chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Thanh Hương

Bạn đang đọc bài viết Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới