Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ năm, 14/01/2021 10:08 (GMT+7)

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai diễn biến khắc nghiệt, dị thường trong năm 2020, đặc biệt trận mưa lũ lịch sử tại miền Trung phải coi là lời cảnh báo nghiêm khắc của "Mẹ thiên nhiên".

Theo dự báo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2021 thời tiết sẽ ngày càng cực đoan, dị thường. Các hình thái thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán… vượt mức lịch sử có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

TS Nguyễn Lan Châu - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, công tác dự báo KTTV đóng vai trong rất quan trọng  trong vận hành, điều tiết cắt giảm lũ của hồ chứa. Những năm tới lượng mưa có thể tăng từ 10 - 17% đặc biệt ở miền Trung,…

“Để giảm rủi ro thiên tai xảy ra, cần thiết lập thêm trạm đo mưa, radar,… hiện đại hóa các thiết bị quan trắc, dự báo để ngày càng tiệm cận số liệu thực tế để có phương án cảnh báo, đối phó. Ngoài ra, đối với miền Trung, quy trình liên hồ chứa giao cho chủ hồ đo lưu lượng nước đến hồ cần phải thay đổi, cần giao trách nhiệm cho các đài dự báo KTTV. Thành lập các tổ chuyên gia tư vấn để đưa ra những con số tối ưu,…”, TS Châu chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thời gian tới cần tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư bảo đảm thực hiện đa mục tiêu, gắn với phòng, chống thiên tai.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 1

Theo Phó Thủ tướng, trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng như Nhật Bản, Hoa Kỳ…

GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho rằng, cần có nhiều biện pháp để thích ứng với BĐKH, trong đó có cả biện pháp công trình và phi công trình.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 2
Trong năm 2020, các hình thái thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán… vượt mức lịch sử. (Ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai)

“Về các giải pháp phi công trình, quan trọng nhất là tăng cường công tác cảnh báo, dự báo sớm rủi ro thiên tai, lũ và ngập lụt cho các lưu vực là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, giúp cho người dân biết được những rủi ro để phòng tránh và ứng phó kịp thời nhằm giảm tổn thất. Trong thời gian qua, công tác dự báo lũ lụt đã được ngành Khí tượng Thủy văn thực hiện khá tốt và đáng được ghi nhận. Chú trọng xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất căn cứ trên hiện trạng sử dụng đất, loại đất và mưa của từng khu vực. Các vùng nguy cơ được chia thành các vùng “xanh” là vùng an toàn; “đỏ” là vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và vùng “vàng” là vùng cận nguy hiểm”, GS.TS Trần Thục nhấn mạnh.

Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Chỉ ra bên cạnh những nguyên nhân do biến đổi khí hậu bất thường, việc xây dựng thủy điện dày đặc ở miền Trung... PGS.TS Tô Văn Thanh - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, việc phân bố dân cư còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc biệt khi điều kiện này đang thay đổi. Việc thoát lũ ngày xưa ít được quan tâm, phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ giữa việc quy hoạch và thực tiễn khiến cho khẩu độ thoát lũ tại các con sông ngày càng co hẹp lại, dẫn đến khả năng thoát lũ hạn chế dần.

“Đặc thù ở miền Trung có dải đất rất hẹp, đồi núi rất nhiều khiến độ dốc rất lớn. Mùa mưa chỉ cần một vài trận mưa nhỏ đã thành lũ lớn vì độ dốc rất cao, không có khoảng không gian chứa lũ. Các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác...), không đảm bảo khả năng thoát lũ gây ra sạt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại”, PGS.TS Tô Văn Thanh nhấn mạnh.

Trên thế giới rất nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn Việt Nam. Hà Lan có độ cao thấp hơn mực nước biển, Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất… Thế nhưng với tiến bộ của khoa học công nghệ và trách nhiệm của Nhà nước, việc quy hoạch, bố trí dân cư, các công trình đảm bảo an toàn được thực hiện tốt nên người dân các quốc gia này ít phải chịu hậu quả của thiên tai. Đây là điểm đáng lưu tâm và chúng ta cần học hỏi để có được những giải pháp hợp lý trong xây dựng quy hoạch cơ sở hạ tầng.

GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cũng cho rằng: “Đối với thiên tai lũ và ngập lụt tại khu vực có nguy cơ cao như ở miền Trung, cần áp dụng các giải pháp công trình như: xây dựng hệ thống các hồ chứa trữ nước và cắt lũ đối với các lưu vực sông lớn. Tôi nhận thấy, đã có nhiều hồ chứa được xây dựng ở miền Trung, đáp ứng được một phần yêu cầu cắt lũ. Tuy nhiên, xây dựng các hồ chứa cần đi đôi với việc thực hiện nghiêm chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Trực tiếp nhất là xây dựng các công trình nhà ở phòng chống bão, lũ, công trình kiên cố làm các điểm sơ tán dân, di dân khi lũ lụt; nhà chống lũ như nhà phao, nhà kê nền, nhà gác, nhà sàn. Việc lựa chọn các công trình nhà tránh lũ, chống lũ phụ thuộc vào đặc điểm lũ lụt cũng như tập quán sinh hoạt của từng địa phương”.

Theo GS.TS Trần Thục, đối với thiên tai lũ quét, sạt lở đất, các giải pháp công trình tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các đập ngăn bùn đá (đập Sabo) và các công trình phụ trợ tại các khu vực có nguy cơ cao và tập trung dân cư. Giải pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Áo…

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ. Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền bảo đảm tránh lũ an toàn. Bố trí cụ thể nguồn lực trong trung hạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện đầu tư chương trình nhà vượt lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; hạn chế tối đa tác động làm thay đổi. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.

“Cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, vừa bảo vệ vừa kết hợp khôi phục và phát triển, rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ lụt, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tìm giải pháp sống thích ứng với tự nhiên

Thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, dị thường được dự báo khó tránh khỏi trong thời gian tới. Chính vì vậy tại các vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, bên cạnh các giải pháp quy hoạch lại hạ tầng, việc tìm ra các giải pháp chung sống hài hòa với thiên nhiên là điều cần tính đến. Mô hình nhà chống lũ được triển khai hiệu quả tại các nước trên thế giới, từ năm 2013 những ngôi nhà này mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đã phát huy tác dụng trong vùng rốn lũ miền Trung. Đây được xem là giải pháp tuyệt vời trước tình hình thời tiết thất thường ở miền Trung. Bên cạnh đó, mô hình này còn phù hợp với vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay các mô hình nhà chống lũ trên thế giới rất đa dạng nhưng ở Việt Nam chủ yếu gồm 3 loại chính: Nhà kê nền, nhà có gác và nhà phao.

Nhà nổi chống ngập: Vốn được xây dựng ở ven biển làm nơi nghỉ ngơi và câu cá cho ngư dân, nhà nổi hiện còn được xây dựng tại đất liền, giúp người dân khắc phục phần nào tình trạng ngập lụt mùa mưa lũ. Đầu năm 2019, mô hình nhà nổi của sinh viên Nguyễn Minh Hoàng (ĐH Xây dựng miền Tây) đã gây tiếng vang nhờ thiết kế độc đáo, tuy “xây” trên cạn nhưng gặp khi nước lũ nhà sẽ nương theo mực nước mà nổi lên. Với chi phí chỉ 250-300 triệu đồng, căn nhà nổi này được dựng bằng khung thép lắp ráp, vách bao che bằng panel với độ bền và tuổi thọ cao. Mô hình này là giải pháp thiết thực cho người dân vùng lũ trước tình trạng mưa lũ, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 3
Mô hình nhà nổi chống ngập. (Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai)

Mô hình nhà phao: Đây là dạng nhà nổi, kết cấu nhẹ bên trên (khung gỗ/sắt, mái tôn, vách), bên dưới là thùng phi nhựa/sắt để làm nổi. Do đó, khi nước dâng đến đâu nhà sẽ nổi tới đó. Bên cạnh đó còn có nhà phao gắn liền với nhà xây: nhà phao nằm trên gác nhà xây. Gian nhà này cơ cấu nổi vượt lên trên nước ngập, tối đa 10m so với tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời là điểm neo chân cho khung nhà.

Nhà kê nền: Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, cao và linh hoạt. Nhà kê nền thấp có sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này được tính toán dựa theo thực tế để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn nhà dễ dàng mà không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà. Nhà kê nền cao với nền nhà được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân. Nhà kê nền linh hoạt là mô hình có thể tách rời, liên kết giữa khối nhà và móng để nâng nhà khi cần mà không phải phá huỷ kết cấu. Mô hình nhà linh hoạt an toàn, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 4
Mô hình nhà có gác chống lũ. (Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai)

Nhà có gác gồm 4 loại chính: Nhà hai gác dành cho người ở, nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc, nhà ba gian có gác xép, nhà ống có gác xép. Nhà hai gác chỉ dành cho người ở áp dụng cho các vùng trũng thấp, có lũ từ 1,3-3,0m. Nhà xây dựng trên cơ sở thiết kế với cấu trúc móng trụ, khung dầm, sàn bê tông và tường xây gạch nung. Độ cao gác/sàn tầng thường cao hơn mức ngập tối thiểu 2,85m. Nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc: áp dụng tại vùng, có lũ 1,5-3m. Mô hình nhà này có cầu thang phía ngoài cho người và gia súc di chuyển lên tầng khi có lũ. Độ cao tầng hai sẽ vượt mức lũ lịch sử khu vực đó. Gian phía sau chứa cỏ rơm, nông sản; gian trước cho người.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 5

Trở lại câu chuyện chung sống hòa thuận với thiên nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta phải tiếp tục và kiên quyết hơn trong việc trả lại màu xanh cho đất bằng việc trả lại màu xanh cho những cánh rừng. GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng viện Quản lý rừng bảo vệ rừng cho biết, các nước phát triển phân rừng thành 3 loại: Tự nhiên, bán tự nhiên và rừng trồng. Trong đó rừng tự nhiên là loại rừng chưa có bất kỳ tác động nào của con người, kể cả những tác động nhỏ nhất như chặt một cái cây hay săn một con thú. Rừng bán tự nhiên là rừng tự nhiên nhưng đã có tác động của con người. Rừng trồng là rừng hoàn toàn từ đất trống đồi núi trọc, được con người trồng cây phủ xanh.

Điều này, có tác động đến việc phòng chống lũ lụt và bảo vệ môi trường nói chung. Nếu như tạm coi rừng tự nhiên có chỉ số phòng chống lũ lụt và bảo vệ môi trường là 10 thì đất trống đồi núi trọc là 0, và rừng bán tự nhiên là 5. Điều đó cho thấy, không phải tất cả rừng được trồng mới có thể thay thế rừng tự nhiên.

Theo các quy định hiện tại, khi triển khai dự án thủy điện phải trồng thay thế một diện tích rừng tương đương. Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế chủ đầu tư sẽ phải nộp một khoản tiền vào quỹ để trồng thay thế một diện tích tương đương ở địa phương khác. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, cho dù chúng ta cứ làm những phép “đổi chác” như thế, có sòng phẳng đi chăng nữa thì vẫn không đền bù được những gì chúng ta đã gây ra với “mẹ thiên nhiên” đơn cử như việc xác định chỉ số giữ nước, phòng chống lũ lụt của rừng tự nhiên và rừng thay thế.

“Trong năm 2020, thiên tai gây thiệt hại nặng nề trong đó nhiều nơi đúng là do mất rừng. Nếu như nhìn tổng thể, có một số nguyên nhân thì việc mất rừng vẫn là nguyên nhân chính. Nếu còn rừng tự nhiên, thì có thể nói gần như không có lũ quét, lũ ống vì khi nước mưa chảy xuống 70 - 80% được lớp thực vật của rừng tự nhiên cản lại và ngấm xuống đất”, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung khẳng định.

Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên - Ảnh 6
Phát triển và bảo vệ rừng bền vững. (Ảnh: QĐND, VTC)

Về phát triển rừng, trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 3/11/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học. Với 14,3 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng.

Cũng liên quan đến bảo vệ rừng, khi đề cập đến Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Tổng sơ đồ Điện 8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết đang tác động ngày càng mạnh mẽ.

Do đó chắc chắn trong Tổng sơ đồ Điện 8, sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn.

Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, dân làng dần nguôi ngoai nỗi đau mất người thân, tiếp tục sản xuất, làm nương rẫy ổn định cuộc sống. Khu định cư mới cho người dân nóc Ông Đề cũng đang được khẩn trương thi công để bà con kịp về đón Tết. Nỗi đau có thể dần nguôi ngoai nhưng bài học về thảm họa thiên tai thì luôn phải ghi nhớ để chúng ta sống có trách nhiệm và thân thiện hơn với tự nhiên.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới