Chủ nhật, 24/11/2024 05:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/05/2022 07:55 (GMT+7)

Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm mục tiêu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, mục tiêu nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ bộ, ngành trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần; hoàn thiện hệ thống kế hoạch quốc gia ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bản, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất và sóng thần.

Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời - Ảnh 1
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, với ước tính tổng thiệt hại lên tới 2.400 tỷ đồng. (Ảnh internet)

Kế hoạch nêu rõ, các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 5 nội dung về: công tác phòng ngừa; tổ chức ứng phó; công tác khắc phục hậu quả; lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Về công tác phòng ngừa, Kế hoạch sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả; gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó..

Trong công tác tổ chức ứng phó, tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định; tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn; huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa; duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.

Với công tác khắc phục hậu quả, huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp; tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền; huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân…

Từ đầu năm 2022 đến nay thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3-2/4) kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà; rét lịch sử cuối tháng 2/2022 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum...  

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng. Điều này khiến cho công tác phòng, chống thiên tai cần phải được chú trọng và tập trung nhiều nguồn lực.

Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, công tác phòng, chống hơn lúc nào hết cần được nâng cao một cách chuyên nghiệp, bài bản. Trong bối cảnh đó, Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 được xem là căn cứ để nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống thiên tai hàng năm.

Kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh lần đầu tiên được công bố vào tháng 5/2022 là một bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.

Công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021

- 10 tỉnh, thành phố có kết quả phòng chống thiên tai theo Bộ chỉ số năm 2021 thuộc top đầu gồm: Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau, Quảng Nam.

- 10 tỉnh có Bộ chỉ số phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, thành phố thuộc top cuối (thấp nhất) gồm: Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Trà Vinh... Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc tốp giữa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới