Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ ba, 30/08/2022 17:10 (GMT+7)

Năng suất lao động, thu nhập và vấn đề chọn việc làm, nơi làm

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam hiện đã chuyển sang thời kỳ phát triển kinh tế sang nền Kinh tế thị trường với cách tiếp cận khác hẳn trước đây nên sẽ có những thay đổi rất lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lựa chọn ngành nghề, việc làm của người lao động.

Bối cảnh

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường mới thì lại xuất hiện vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh và nhân lực trong ngành y tế liên quan đến sai phạm trong đấu thầu mua thuốc, vật tư và vấn đề thu nhập thấp trong ngành Y tế. Có lẽ đây là tình trạng chung của nhiều ngành nghề thuộc khối công lập như giáo dục chẳng hạn. Để giải quyết vấn đề, chắc chắn phải tìm được cội nguồn sự việc. Tại sao lại có sai phạm lớn, thậm chí gian dối, hối lộ xảy ra trong đấu thầu mua bán sử dụng tiền ngân sách, tại sao lương lại không tương xứng với cống hiến của người lao động? là những câu hỏi không dễ trả lời.

Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có cách, tiêu chí, phương pháp xác định năng suất lao động của người lao động làm việc trong các cơ sở công lập khi chưa thực hiện tự chủ tài chính. Chúng ta đã trải qua thời gian dài đi theo mô hình kinh tế Kế hoạch hóa tập trung, mọi vấn đề được nhà nước lên kế hoạch thực hiện, người lao động được hưởng lương theo bậc, hệ số, mức do nhà nước định ra, người dân được hưởng các loại hàng hóa, dịch vụ theo những định mức có sẵn.

Trong kinh tế, 3 vấn đề cơ bản: (1). Sản xuất cái gì?, (2), Sản xuất như thế nào?(3). Sản xuất cho ai? cũng do nhà nước lên kế hoạch giao cho các tổ chức, cơ sở công lập hoặc các hợp tác xã thực hiện. Trong nền kinh tế này, mỗi người rất ít có sự lựa chọn, kể cả lựa chọn ngành nghề, việc làm mà đa số do nhà nước, chính quyền các cấp chỉ định, yêu cầu. Tôi là người đã được sống trong thời kỳ ấy, cũng được chỉ định học trường đại học này, ngành khoa học này, ra trường làm việc ở cơ quan này. Hồi ấy chúng tôi rất tự giác tuân thủ, phần vì không có sự lựa chọn khác, phần vì yêu cầu, chỉ định của các cơ quan hữu quan khá khách quan, minh bạch và nhất là trong lúc đất nước đang có chiến tranh, đang bị thế lực thù địch nước ngoài cấm vận thì lựa chọn vì ý thích cá nhân phải gác lại một bên. Thời ấy chúng tôi học đại học không phải đóng học phí, phần lớn sinh viên có khó khăn được nhận học bổng, tuy không lớn nhưng giảm gánh nặng đáng kể cho cha mẹ và chỉ cần có hỗ trợ chút ít là có thể học xong, tốt nghiệp đại học.

Vì vậy, vào ngành nào, trường nào, ra trường công tác ở đâu là điều chấp nhận được và nhiều người vẫn thành đạt, góp công sức cho phát triển đất nước. Bây giờ chúng ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển kinh tế sang nền Kinh tế thị trường với cách tiếp cận khác hẳn cách tiếp cận trước đây nên sẽ có những thay đổi rất lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lựa chọn ngành nghề, việc làm của các cá nhân, của người lao động. Trong bài viết này chúng tôi muốn diễn giải một số điểm thu nhận được về cách đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) và thu nhập của người lao động thông qua quyền lựa chọn của mỗi cá nhân trong xã hội.

Năng suất lao động

Hiện nay, năng suất lao động được hiểu như là “mức kinh phí” làm ra của một cá nhân tính bằng tiền trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng, quý, năm). Niên giám thống kê được xuất bản hàng năm đã đưa ra khái niệm:

Năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, thường đo bằng tổng sản phẩm trong nước tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm lịch”. 

Năng suất lao động xã hội (VND/lao động) được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho Tổng số người làm việc bình quân.

Nếu theo cách tính này thì kết quả sẽ có những khác biệt tương đối lớn về NSLĐ của người lao động làm việc trong ngành kinh tế khác nhau. Từ bảng 1 cho thấy, năm 2018, NSLĐ trên 1.000 triệu đồng/người/năm chỉ đạt được ở 2 ngành là Khai khoáng (2250,7 triệu đồng/người/năm) và Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (1.490 triệu đồng/người/năm). Trong khi đó NSLĐ của một số ngành kinh tế khác lại rất thấp, dưới 100 triệu đồng một người một năm, điển hình là ngành nông nghiệp, chỉ với 38,9 triệu đồng/người/năm. Ngay khối Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc, bao gồm trong đó rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì NSLĐ củng chỉ đạt 89,2 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi không biết cách tính Tổngsốngười làm việcTổng sản phẩm trong nước (GDP) trong khối này như thế nào nhưng theo chúng tôi mức năng suất lao động như vậy là thấp. Một vấn đề cần phải tính đến là những ngành có NSLĐ rất cao thì số lao động lại thuộc diện thấp, hai ngành có năng suất lao động trên 1.000 triệu đồng/người/năm lại có tổng tỷ lệ lao động chỉ ở mức 0,64% tổng lao động cả nước. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp có mức NSLĐ thấp nhất lại có tỷ lệ lao động rất cao, tới 37,7% (trên 20 triệu lao động). Ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hộiHoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ có NSLĐ khá cao, lần lượt là 254 triệu đồng/người/năm và 239,1 triệu đồng/người/năm. Ngành Giáo dục Đào tạo cũng có NSLĐ ở mức 95,8 triệu đồng/người/năm.

Bảng 1. Số lao động và NSLĐ theo các ngành kinh tế (Theo Niên giám Thống kê 2018)

Năng suất lao động, thu nhập và vấn đề chọn việc làm, nơi làm - Ảnh 1

Mức thu nhập

Mức thu nhập theo nghĩa số tiền thu nhận trong một đơn vị thời gian của một người phụ thuộc nhiều vào những công việc người đó làm để có thu nhập. Vì vậy, một người có thể hoạt động ở nhiều ngành nghề, chẳng hạn một Giảng viên đại học có thể có thêm thu nhập từ nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ,… nên rất khó tìm mối liên hệ giữa thu nhập và NSLĐ theo ngành nghề. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, nhiều thu nhập khó kiểm soát, khó thống kê nhưng vẫn có thể ước tính qua mức đóng thuế thu nhập cá nhân. Một người có mức thu nhập cao sẽ phải đóng mức thuế thu nhập cá nhân cao, thậm chí rất cao nên nếu có số liệu về mức thuế thu nhập cá nhân có thể ước tính mức thu nhập của cá nhân đó. Tôi cho rằng số liệu này đã có trong ngành thuế, có thể trích xuất để tính mức thu nhập từng người.

Vì vậy, nếu thu nhập phụ thuộc chính vào NSLĐ theo cách tính trong niên giám thống kê thì rõ ràng mức thu nhập của lao động khối Y tế và hoạt động trợ giúp xã hộiHoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ không thể thấp, lại có khả năng làm thêm, làm ngoài giờ để tăng thu nhập. Riêng khốiHoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc thì chắc chắn thu nhập không cao. Đây là điều bất hợp lý, cần làm rõ.

Về tổng thể, có thể nhận định NSLĐ có mối tương quan với mức thu nhập của lao động trong mỗi ngành nghề nhưng phải có số liệu thống kê mức thu nhập mới tính được mức tương quan này. Thật ra, cách tính NSLĐ nêu trong Niên giám Thống kê chỉ nêu được mức NSLĐ chung của ngành còn NSLĐ của một người cụ thể phải tính theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên NSLĐ của cá nhân phải được tính trên kinh phí do họ đem về cho cơ sở trả thu nhập chính (trả cho lương, bảo hiểm, phụ cấp,…) cộng với kinh phí họ thu được mang tính cá nhân (ký hợp đồng và nhận thu nhập trực tiếp, không đưa về cơ sở trả thu nhập chính cho họ. Hiện nay, các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ ngoài công lập (không phụ thuộc ngân sách nhà nước) và các cơ sở đăng ký tự chủ tài chính đang áp dụng cách trả thu nhập dựa trên mức kinh phí mà người lao động đem về cho cơ sở mình. Khi đó, thu nhập trả cho người lao động đem về mức kinh phí cao hơn sẽ cao hơn, thể hiện tính công bằng nhất định.

Xin lấy ví dụ, trong một năm giảng viên đại học có thể đem về cho trường đại học của mình các loại kinh phí sau:

  • Giảng dạy đại học, cao học, nghiên cứu sinh, tính theo mức học phí thu được và số giờ thực dạy.
  • Hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ tính theo số lượng hướng dẫn từng cấp và mức kinh phí thu được.
  • Kinh phí hợp đồng thực hiện đề tài ký với cơ quan ngoài đưa vào tài khoản trường.
  • Kinh phí cho các hoạt động khác do cá nhân thực hiện  được nhà nước hoặc các cơ quan khác trả vào tài khoản trường

Vì vậy, có thể xảy ra trường hợp mức thu nhập của một cá nhân sẽ khác nhau khi mang về cùng mức kinh phí cho sở chưa tự chủ tài chính và tự chủ tài chính.

Bây giờ, hãy so sánh 2 trường đại học, một trường dám tự chủ tài chính (hầu như không có kinh phí từ ngân sách nhà nước) và trường chưa "dám" tự chủ tài chính (TCTC). Nếu ở trường TCTC đánh giá năng suất lao động qua kinh phí mà người lao động đem về trường thông qua số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà trường đào tạo,… thì nhà trường phải trả thu nhập trên cơ sở tính toán tổng mức kinh phí họ đưa về. Học phí thu được sẽ có cách tính, quy thành mức đóng của từng thành viên của nhà trường, bao nhiêu phần trăm sẽ tính cho bộ phận hành chính, dịch vụ, bao nhiêu phần trăm cho giảng dạy và có tiêu chí riêng, cụ thể cho một giảng viên, nếu họ giảng một giờ, một tiết hoặc một tín chỉ cho sinh viên chính quy (hoặc sinh viên hệ chất lượng cao, hệ tiên tiến, tại chức,…) sẽ được tính là đem về cho trường bao nhiêu tiền (chứ không phải là tiền chi trả trực tiếp cho thày). Nếu họ viết được bài báo chất lượng cao sẽ được tính đem về bao nhiêu tiền hay đưa về, chủ trì, tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ đem về lượng kinh phí bao nhiêu cho nhà trường. Các hoạt động khác cũng được quy thành lượng kinh phí đem về trường. Các chỉ tiêu cho từng chức danh công việc, từng công việc sẽ được xây dựng và công khai đến toàn bộ cán bộ trong trường. Vì vậy, cuối năm, từng cán bộ có thể tự tính được lượng tiền mà mình “làm ra” đem về cho nhà trường và có thể tự ước tính được mức thu nhập cả năm. Tiền thu nhập (lương cộng với các khoản khác) mà nhà trường trả hàng tháng chỉ là ước tính ban đầu, đến cuối năm sẽ được quyết toán và chi trả (nếu còn) cho người lao động. Thường thì mức thu nhập có thể chia thành hai phần, phần “cứng” có thể dựa trên hệ số kiểu bậc lương trong hệ công lập (phần này mọi người có thể biết) và phần “mềm” thì được trả theo kinh phí mà người lao động đem về trường và phần này thường trả riêng cho từng người (người khác không cần biết). Vấn đề khó nhất của phương án tự chủ là định ra tiêu chí tính năng suất lao động cho từng chức danh, từng công việc, từng người lao động trong trường. Liệu nó có công bằng không, có được mọi người chấp nhận không, thu nhập của người lao động có quá chênh lệch không là những câu hỏi mà người lao động luôn đặt ra và theo dõi. Thật ra tính công bằng cũng chỉ mang tính tương đối thôi, vấn đề là mọi người dễ chấp nhận và thấy tương xứng (một cách tương đối) với lao động mà họ bỏ ra.

Lấy một ví dụ về mức kinh phí (hoặc hệ số) tính cho phản biện một luận án tiến sĩ. Nếu theo quy định của nhà nước thì rất thấp (vì ước tính qua thời gian đọc và viết nhận xét thì phải) còn nếu xem xét thêm khía cạnh kiểm tra kết quả trình bày trong luận án, tính thêm công việc tham khảo tài liệu để có nhận xét đúng đối với kết quả luận án và cả kiến thức tích lũy nhiều năm được huy động thì mức kinh phí phải cao hơn rất nhiều. Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện có thật được nhiều người kể lại về một chuyên gia lành nghề đến sửa một máy móc, thiết bị đắt tiền bị hư hỏng. Chuyên gia đưa ra một mức giá khá cao nhưng chỉ khoảng hơn một giở xem xét, điều chỉnh lại vài chỗ, thay một vài phụ tùng thì cỗ máy hoạt động trở lại. Chủ thiết bị không ngờ quá trình sửa chữa có vẻ đơn giản như vậy và hỏi để biết, tại sao về thời gian vị chuyên gia chỉ tiêu tốn hơn 1 giờ, về công việc chỉ thực hiện một số động tác đơn giản mà đòi tiền công cao thế. Ông chuyên gia trả lời một câu (chỉ là đại ý) mà mọi người (kể cả ông chủ thiết bị) cho là có lý: về thời gian làm việc và các động tác làm việc tôi chỉ tính 1 USD phần còn lại là kiến thức nhiều năm học tập, nghiên cứu, tích lũy của tôi để tìm ra chỗ hỏng hóc và phương án sửa chữa. Như vậy, giá trị của lao động phải tính tới nhiều yếu tố, như trong ví dụ trên đã thể hiện hai yếu tố rất cơ bản về xác định giá trị trong kinh tế môi trường, đó là sự thỏa thuận giữa người chủ thiết bị và vị chuyên gia và về đánh giá giá trị của việc sửa chữa thiết bị. Người chủ thiết bị phải đánh giá được tổn thất nếu thiết bị không làm việc và so sánh với mức giá mà chuyên gia đưa ra và ông ấy chấp nhận giá sửa chữa chứng tỏ thiệt hại do ngừng làm việc cao hơn nhiều. Chuyên gia thì phải tính đến giá trị bao năm học tập, nghiên cứu, đến kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm tích lũy để tính ra mức giá. Và chỉ khi hai bên đồng thuận thì mới có giao dịch về dịch vụ như vậy.

Khi xét về trường hợp tự chủ tài chính, lúc đầu lãnh đạo nhà trường phải tham khảo nhiều mô hình đã có trong và ngoài nước để đưa ra mức, tiêu chí tính toán mức kinh phí đem về của từng người lao động. Sau khi lấy ý kiến của nhiều cán bộ, người lao động sẽ ban hành bộ tiêu chí, lập phần mềm tính tự động để đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Sau một số năm áp dụng, các tiêu chí này sẽ được điều chỉnh để nâng cao mức đồng thuận, chấp nhận của người lao động. Chắc chắn sẽ có chênh lệch thu nhập của người lao động nhưng người lao động thu nhập thấp hoặc không vừa lòng, không chấp nhận bộ tiêu chí có thể chuyển sang cơ sở khác để làm việc. Điều này làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở tự chủ tài chính trong thu hút người học và giảng viên, người lao động đến làm việc. Tất nhiên, các cơ sở này phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách xây dựng được trường lớp khang trang; có chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, có hệ thống phục vụ đảm bảo tốt học tập sinh viên (thư viện, phòng thí nghiệm, thiết bị,…); có đội ngũ giảng viên, nhân viên có tay nghề cao, tâm huyết,… Và, như vậy, chắc chắn mọi người lao động sẽ phải dành nhiều công sức, thời gian hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng nghĩa với năng suất lao động tăng cao và nếu thu nhập cao cũng là lẽ đương nhiên. Như vậy, trường đại học tự chủ tài chính là cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo cán bộ trình độ cao nên họ phải được tự chủ trong việc định ra mức học phí, mức thu dịch vụ đủ để có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và trả được thu nhập ở mức hợp lý cho giảng viên và cán bộ, viên chức nhà trường. Tất nhiên, lãnh đạo nhà trường phải điều tra được nhu cầu cần đào tạo (thông qua số lượng sinh viên nhập trường các năm) của các ngành nghề mình có khả năng thực hiện và lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Khi đó mới có thể định mức thu học phí, thu phí dịch vụ hợp lý vừa đủ thấp để thu hút nhiều sinh viên, vừa đủ cao để có đủ kinh phí thực hiện công việc. Thị trường sẽ giúp nhà trường nhận ra tính hợp lý của mức thu phí qua lượng sinh viên đăng ký hàng năm, nếu thấy có thay đổi lớn thì có thể thay đổi mức học phí và phí dịch vụ. Tất nhiên là khi sinh viên, học viên, NCS không muốn nhập học do học phí quá cao trong thời gian dài thì nhà trường có thể bị phá sản. Một khó khăn lớn khi thực hiện tự chủ là vẫn còn nhiều trường công lập có mức học phí thấp (do được ngân sách hỗ trợ) và còn nhiều nơi thu nhận vào làm việc cả những sinh viên chất lượng không cao nên môi trường cạnh tranh không thật sự công bằng. Một số trường đào tạo ngành cơ bản như Toán học, Vật lý lý thuyết, Sinh học lý thuyết, Địa chất,… sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tự chủ tài chính nên vẫn còn nhiều cơ sở đào tạo chưa “dám” đăng ký tự chủ kinh phí và có trường đăng ký rồi nhưng gặp khó khăn đến nỗi muốn xin “thôi” tự chủ.

Những phân tích ở trên cũng có nhiều phần đúng đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là có sự khác biệt khá rõ giữa cơ sở công lập chưa tự chủ tài chính với cơ sở ngoài công lập và cơ sở công lập đã tự chủ tài chính. Một trong những khác biệt nhiều người nói đến là thu nhập của người lao động giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế công lập với cơ sở tư nhân và cơ sở chưa tự chủ tài chính. Hiện nay tôi chưa có số liệu điều tra mức chênh lệch dạng này nên rất khó đưa ra bình luận. Tuy nhiên, khi tôi hỏi một PGS.TS. của một trường đã tự chủ tài chính thì không được trả lời rõ ràng (có thể khó nói) còn khi hỏi một PGS.TS. một trường chưa tự chủ thì được trả lời rõ ràng là mức thu nhập của những người lao động năng động, chịu khó ở những trường này cũng khá cao và không phải quá căng thẳng như làm việc ở trường tự chủ tài chính.

Vấn đề thu nhập hiện nay của người lao động trong cơ sở công lập cao hay thấp phải so với sức lao động họ bỏ hay năng suất lao động của họ. Việc không tính đúng tính đủ NSLĐ là điều người lao động thấy rõ trong việc bồi dưỡng một tiết dạy quá thấp, kinh phí đọc phản biện luận án tiến sĩ quy định quá thấp, bồi dưỡng một ca mổ quá thấp. Trong cơ sở công lập, học phí thu thấp hay phí thu khám chữa của người bệnh quá thấp là thực tế và là nguyên nhân của việc tính NSLĐ ở mức thấp và chi thu nhập cũng thấp. Ở cơ sở tư nhân hay cơ sở đã tự chủ tài chính mức thu học phí, mức phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều nên có lẽ cách tính NSLĐ và trả mức thu nhập cũng cao hơn.

Hiện nay, việc kiểm soát thời gian làm việc, cường độ làm việc, mức thu nhập của cán bộ làm việc trong hệ thống công lập chưa tự chủ tài chính còn nhiều bất cập. Một giảng viên làm việc cho một trường đại học nhưng vẫn có thể ký, dùng thời gian tham gia đề tài NCKH với cơ quan khác để có thêm thu nhập. Một bác sĩ có thể đi mổ ở bệnh viện khác và cũng được trả thêm thu nhập, đặc biệt là bác sĩ giỏi thì công việc này thường xuyên hơn. Chính vì vậy, ở một số cơ quan đề ra định mức thu lại một phần kinh phí mà cán bộ của mình thu được khi làm thêm ở cơ quan ngoài, thậm chí cả kinh phí khi đi tu nghiệp, thực tập ở nước ngoài.

Lựa chọn việc làm

Một vấn đề khác cần xem xét ở đây là cán bộ, viên chức có quyền xin thôi việc để chuyển sang làm việc ở cơ sở khác hay không. Điều 5 Luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 đã quy định: 

1. Người lao động có các quyền sau đây:

  • Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

……

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;”

Như vậy, Luật cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên người lao động xin thôi việc ở cơ quan công lập để chuyển sang làm việc ở cơ quan, cơ sở khác là hành động hợp pháp. Khác hẳn với “biên chế” trong lao động ở thời kỳ bao cấp trước đây, việc cho phép người lao động dễ dàng xin thôi việc là bước tiến trong quá trình bình đẳng hóa các cơ quan sử dụng lao động giữa công lập, tư nhân, công lập tự chủ tài chính. Các cơ sở sử dụng lao động cũng phải cạnh tranh nhau để có được người lao động chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt phục vụ xã hội. Người lao động cũng phải tìm hiểu kỹ các cơ sở tuyển dụng lao động để nộp đơn xin việc, đặc biệt là ngoài mức thu nhập phải tìm hiểu kỹ điều kiện làm việc để xem xét đi đến quyết định nhận việc. Người lao động cũng phải đánh giá được “chất lượng” lao động của mình qua xác định chi phí cơ hội trong thị trường lao động. Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng dần dần sẽ hoạt động tốt lên làm cơ sở để người lao động hiểu “người” (cơ sở tuyển dụng) và “ta” (cụ thể là chi phí cơ hội lao động của mình) hơn và chọn được việc làm phù hợp với mình hơn.

Tất nhiên, sẽ có sự khác biệt về giá thành và giá phải trả cho sản phẩm, dịch vụ ở các cơ sở khác nhau. Người mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ phải là người lựa chọn loại sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện của mình. Bây giờ đã có những trường học đủ các cấp với mức giá dịch vụ, học phí rất cao để phục vụ con em tầng lớp giàu có nhưng cũng có trường công lập thu học phí thấp (các trường công lập chưa tự chủ) để con em gia đình có thu nhập thấp hơn vào học. Hay những bệnh viện có chi phí khám chữa bệnh rất cao (kể cả các bệnh viện quốc tế ở Việt Nam) để phục vụ người bệnh thuộc diện “có điều kiện” đã được phép hoạt động. Bên cạnh đó vẫn có bệnh viện có chi phí khám chữa bệnh thấp hơn để phục vụ người bệnh không có hoặc chưa có điều kiện. Vấn đề là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ có tương xứng với khoản tiền bỏ ra để mua, sử dụng sản phẩm dịch vụ không. Có lẽ, Việt Nam phải chờ một vài năm, thậm chí hàng chục năm để mọi người làm quen với nhiều thể loại và đánh giá đúng được chất lượng các loại sản phẩm, dịch vụ với mức giá khác nhau. Vì vậy, việc công khai thông tin về sản phẩm, dịch vụ, về chất lượng và mức giá đi kèm là điều cần làm ngay, làm liên tục. Các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng cũng phải được tăng cường năng lực để bảo đảm không để hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng thậm chí hàng giả lưu hành, đánh lừa người tiêu dùng.

Thay lời kết

Những người thuộc thế hệ trước (khoảng 60 tuổi trở lên) vẫn còn luyến tiếc nhiều thứ như làm việc trong cơ quan nhà nước, có biên chế nhưng bây giờ phải làm quen dần với việc con em mình “bung” ra ngoài làm việc trong các tổ chức tư nhân, các cơ sở dân lập. Tất nhiên, lựa chọn bao giờ cũng có “chi phí cơ hội đi kèm” mà ở đây là chi phí cơ hội lao động của chính mình nên cần thận trọng. Nhà nước cũng cần xác định rõ hơn về cung cách chi kinh phí ngân sách mà thực chất là nguồn “thuế” đóng góp của dân, phải hỗ trợ để nhiều tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cả những người còn nghèo, kém may mắn nhưng cũng phải định ra mức trả thu nhập tiệm cận hơn với NSLĐ của người lao động bỏ ra. Hy vọng điều này sớm được thực hiện để người lao động yên tâm hơn, kể cả khi họ thu nhập có thấp hơn nhưng hiểu rõ mức đóng góp của mình cho xã hội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Năng suất lao động, thu nhập và vấn đề chọn việc làm, nơi làm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới