Chủ nhật, 24/11/2024 11:08 (GMT+7)
Thứ hai, 28/12/2020 14:18 (GMT+7)

Nền khoa học thế giới trông đợi gì ở năm 2021?

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu và vaccine COVID-19 là một trong những chủ đề nổi bật của khoa học thế giới vào năm mới 2021.

Nền khoa học thế giới trông đợi gì ở năm 2021? - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu có thể khiến cho các vụ cháy rừng ở California, Hoa Kỳ thêm trần trọng. (Ảnh: Getty)

“Cuộc chiến” quay trở lại

Năm 2021 được coi là năm bản lề của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ về vấn đề này, bao gồm cả việc tái gia nhập Hiệp định Paris để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Vào tháng 11, hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức ở Glasgow, Vương quốc Anh. Các quốc gia sẽ thực hiện một vòng cam kết mới về cắt giảm phát thải khí nhà kính - vòng đầu tiên kể từ khi họ ký thỏa thuận Paris vào năm 2015. Trong khi Liên minh châu Âu và Trung Quốc có kế hoạch tham vọng là trung hòa khí carbon vào năm 2050-2060 thì các nhà khoa học đang chờ xem liệu tân Tổng thống Mỹ Biden có đặt ra những mục tiêu tương tự cho Hoa Kỳ hay không.

Nguồn gốc COVID-19

Một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập sẽ tới Trung Quốc vào tháng 1 năm 2021 để cố gắng xác định nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Nhóm này bao gồm các nhà dịch tễ học, virus học và các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và động vật, sẽ bắt đầu từ Vũ Hán. Vào giai đoạn đầu của dự án, các nhà khoa học sẽ tìm hiểu các loại thịt và động vật được bán tại chợ Huanan- nơi được cho là xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên- và theo dõi hành trình của chúng trong phạm vi Trung Quốc và xuyên biên giới. Việc phát hiện ra nguồn gốc của virus có thể mất nhiều năm nhưng các chuyên gia tim rằng họ sẽ thu thập được thêm thông tin mới vào cuối năm 2021.

Vaccine và đại dịch

Năm 2020 chứng kiến ​​sự ra đời của các loại vaccine đầu tiên được phép sử dụng để chống lại COVID-19, tuy nhiên, hiệu quả thì phải đợi đến năm 2021 mới rõ ràng. Điều đặc biệt quan tâm là kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của các loại vaccine do các công ty dược phẩm Hoa Kỳ Novavax hay Johnson & Johnson phát triển. Các loại vaccine trên dễ phân phối hơn so với vaccine dựa trên RNA do Pfizer-BioNTech hay Moderna sản xuất, vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Cuối năm ngoái, Novavax đã có thực hiện 2 cuộc thử nghiệm vaccine lớn tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, dự kiến ​​sẽ có kết quả vào đầu năm 2021. Công ty có thể sản xuất tới 2 tỉ liều vaccine mỗi năm. Còn Johnson & Johnson đang thử nghiệm một phiên bản vaccine chỉ cần tiêm một mũi, trong khi vaccine do Pfizer hay Moderna sản xuất thì phải tiêm 2 mũi.

Truy cập mở

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động xuất bản khoa học của năm tới khi dự án truy cập mở kéo dài 2 năm do một số nhà tài trợ nghiên cứu lớn nhất thế giới tổ chức đã thành hiện thực. Hơn 20 tổ chức, bao gồm Wellcome ở London, Quỹ Bill & Melinda Gates và nhà tài trợ Hà Lan NWO, quy định rằng bắt đầu từ tháng 1/2021, các bài báo học thuật mà họ tài trợ phải được truy cập mở và đọc miễn phí. Sáng kiến này được gọi là Kế hoạch S có thể chấm dứt việc trả phí đăng ký đọc/mua tạp chí. Kế hoạch S đến nay đã thúc đẩy một số tạp chí lần đầu tiên đưa ra hình thức xuất bản truy cập mở.

Nền khoa học thế giới trông đợi gì ở năm 2021? - Ảnh 2
Kính viễn vọng James Webb được xem là lớn nhất, mạnh mẽ nhất và phức tạp nhất của NASA. (Ảnh: NASA)

Cải tiến tế bào gốc

Các nhà khoa học tế bào gốc đang háo hức chờ đợi các hướng dẫn nghiên cứu mới từ Hiệp hội Nghiên cứu Tế bào gốc quốc tế (ISSCR). ISSCR ban hành hướng dẫn lần cuối cách đây đã 4 năm. Lần cập nhật này sẽ bao gồm các nội dung mới về “cấu trúc giống như phôi thai” của con người được nuôi cấy từ tế bào gốc trong ống nghiệm, theo đó, có thể sẽ kéo dài “quy tắc 14 ngày”. Trước đây, các nhà nghiên cứu không được phép làm việc với phôi người tạo ra trong ống nghiệm lâu hơn 2 tuần sau khi thụ tinh - quy tắc này được pháp luật ở nhiều quốc gia công nhận. Việc mở rộng giới hạn cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn tại sao rất nhiều trường hợp bị sẩy thai sớm.

Thuốc chữa Alzheimer

Các cơ quan quản lý Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ quyết định liệu loại thuốc đầu tiên được báo cáo là làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị hay không. Thuốc aducanumab, do công ty dược phẩm Biogen sản xuất, là một kháng thể liên kết với một protein não gọi là amyloid. Hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đã đưa ra các kết quả trái ngược nhau và một hội đồng cố vấn độc lập do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ triệu tập để đánh giá hiệu quả của thuốc cho rằng dữ liệu là không đủ để cấp phép sử dụng thuốc. Các loại thuốc chữa bệnh Alzheimer duy nhất được chấp thuận cho đến nay thường điều trị các triệu chứng nhận thức như mất trí nhớ, thay vì làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Sao Hỏa đông đúc

Chương trình nghị sự đầy tham vọng của Trung Quốc về khoa học vũ trụ sẽ được tiếp tục vào năm 2021 khi tàu thăm dò Thiên vấn 1 hạ cánh xuống “hành tinh đỏ” vào tháng Hai. Nhiệm vụ của nó là tìm kiếm nước và các dấu hiệu của sự sống bằng cách sử dụng 13 thiết bị, bao gồm camera, radar và máy phân tích hạt. Nếu thành công, đây sẽ là chuyến thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của quốc gia này và là lần duy nhất một tàu thăm dò mang theo tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ đặt chân xuống đó. Tàu vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ cũng sẽ đến “hành tinh đỏ” vào cùng thời điểm nói trên.

Phóng kính thiên văn lớn nhất

Tháng 10 sẽ chứng kiến ​​sự ra mắt được chờ đợi từ lâu của Kính viễn vọng không gian James Webb. “Chủ nhân” của nó, NASA, gọi đây là “kính viễn vọng không gian lớn nhất, mạnh mẽ nhất và phức tạp nhất từng được chế tạo”. Kính James Webb trị giá 8,8 tỉ USD, sẽ trên con đường lặp lại thành công của Kính viễn vọng Hubble, vốn tạo nên một cuộc cách mạng của ngành thiên văn học khi nó ra mắt vào năm 1990 và đã thực hiện hơn 1,3 triệu lượt quan sát kể từ đó. James Webb sẽ bao phủ nhiều bước sóng hơn Hubble, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ.

Ẩn số Brexit

Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh vẫn đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận thương mại trước thời hạn là ngày 31 tháng 12. Dù đạt được thỏa thuận hay không, Brexit cũng sẽ tạo ra một sự không chắc chắn xung quanh kinh phí nghiên cứu và nhiều vấn đề khác cho các nhà khoa học và điều này sẽ còn tiếp tục đến năm 2021.

Vũ Phong(theo Nature)

Vũ Phong

Bạn đang đọc bài viết Nền khoa học thế giới trông đợi gì ở năm 2021?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới