Chủ nhật, 24/11/2024 09:43 (GMT+7)
Thứ ba, 03/09/2019 11:56 (GMT+7)

Ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp lo 'méo mặt'

Theo dõi KTMT trên

Trong xu hướng lãi suất huy động của ngân hàng tăng không ngừng, nhiều doanh nghiệp và thị trường lo ngại về áp lực lãi suất cho vay sẽ tiếp tục "leo thang" khiến cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận, lãi suất huy động tại một số ngân hàng (NH) thương mại thời gian qua đang được đẩy lên khá cao ở các kỳ hạn dài và qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Lãi suất huy động liên tục nhích lên giúp người dân có nhiều lựa chọn kênh gửi tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi của mình. Đặc biệt, xu hướng gửi tiền của người dân cũng thay đổi, tập trung nhiều hơn vào các kỳ hạn dài nhằm hưởng lợi từ lãi suất cao. Chẳng hạn, hiện nhiều NH thương mại đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên tới 8,5 - 9%/năm, thậm chí một số NH huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất vượt mốc 10%/năm.

Ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp lo 'méo mặt' - Ảnh 1
Xu hướng tiền gửi tiết kiệm bất ngờ tăng cao. Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 8,3% so với đầu năm, trong khi đó huy động vốn tăng tới 8,6%. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, huy động tăng nhanh và ở mức cao hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Đây là kết quả của việc dòng vốn nhàn rỗi đổ vào hệ thống NH thương mại do các NH thương mại liên tục đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ có lãi suất hấp dẫn, trong đó đa dạng sản phẩm tiền gửi như phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút thêm nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư.

Số liệu của NHNN Chi nhánh TP HCM cũng phản ánh thực tế xu hướng vốn dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong cơ cấu vốn huy động của các NH, 73% là tiền gửi ngắn hạn, 27% là tiền gửi trung dài hạn. Riêng nguồn tiền gửi trung dài hạn đã tăng thêm 6%, từ mức chỉ chiếm tỉ trọng 21% trong tổng nguồn vốn huy động hồi đầu năm.

Trong xu hướng tăng của lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp và thị trường băn khoăn về áp lực lãi suất cho vay sẽ tiết tục leo thang? Thực tế, tiếp sau các đợt đua tăng lãi suất huy động là nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất cho vay lên mặt bằng mới cao hơn. Nếu như thời điểm đầu năm 2018, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ ở quanh mức 6,5-7,5%/năm, lãi suất cho vay ở mức 7,8-8,2%/năm... thì đến nay, sau khi lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài tăng lên mức 7-8.5%/năm, lãi vay đã "dâng" cao lên hơn 8,5 -10%/năm.

Một số chủ doanh nghiệp cho biết, đang phải xoay sở cân đối tài chính để giảm bớt gánh nặng lãi vay bị phát sinh thêm do ngân hàng tăng lãi suất. Dự báo, khi mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên cao thì lãi vay sẽ tiếp tục tăng lên, khiến cho doanh nghiệp phải chịu thêm khoản chi phí tài chính, làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Lãnh đạo một số NH thương mại cho rằng thực tế động thái tăng lãi suất không phải vì thiếu thanh khoản nên không gây áp lực lên lãi vay.

Trước "cuộc đua" lãi suất giữa các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi văn bản cảnh báo một số tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn.

"Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ", công văn cảnh báo.

NHNN cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Theo đó, NHNN yêu cầu để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vỹ mô, Thống đốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện. Trong đó, đặc biệt cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…

NHNN cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động tiền VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở các ngân hàng phổ biến từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8,5%/năm.

Lãi suất huy động USD trong khi đó phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

Phúc Thanh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp lo 'méo mặt'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới