Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/01/2020 09:38 (GMT+7)

Ngân hàng tăng cường cảnh báo hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin

Theo dõi KTMT trên

Để đề phòng kẻ gian giả mạo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Ngân hàng tăng cường cảnh báo hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Thời điểm cận Tết hàng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân của khách hàng, Vietcombank và TPBank đã lên tiếng cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin cùng các khuyến cáo đối với khách hàng của mình.

Theo đó, Vietcombank đưa ra một số cách lấy cắp thông tin phổ biến bao gồm: Thứ nhất, đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).

Thứ hai, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.

Thứ ba, đối tượng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. Đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.

Đặc biệt, đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra; mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng.

Lãnh đạo Vietcombank lưu ý khách hàng, Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Để đảm bảo mức độ an toàn cho khách hàng, Vietcombank khuyến cáo khách hàng đặt tên truy cập cần đáp ứng một số yêu cầu sau: Tên truy cập có độ dài từ 6-20 ký tự; không phân biệt chữ hoa, chữ thường, không có khoảng trắng, không được sử dụng toàn bộ ký tự trùng nhau hoặc liên tục theo thứ tự trong bảng chữ cái, chữ số, không chứa ký tự đặc biệt; không trùng tên truy cập của khách hàng khác; không đặt theo cấu trúc tên truy cập do Vietcombank tạo (chữ số + chữ cái + 2 chữ số, trong đó các chữ cái gồm các chữ A, B, C, D, E, F, G, H, I, M).

Vietcombank cũng lưu ý, mỗi khách hàng sẽ chỉ được thay đổi tên truy cập 01 lần duy nhất nên khách hàng cân nhắc lựa chọn tên truy cập phù hợp nhất trước khi thực hiện thay đổi.

Tương tự, TPBank cũng vừa đưa ra cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, kẻ gian giả mạo đầu số/email/nhân viên ngân hàng chủ động nhắn tin/gửi email/gọi điện cho khách hàng để lừa khách hàng cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu eBank, mã xác thực (OTP) hoặc thông tin thẻ…

Lãnh đạo ngân hàng này cũng khuyến cáo: TPBank không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ như số thẻ đầy đủ, tên đăng nhập, mật khẩu eBank, mã xác thực qua các đường dẫn (link) trong tin nhắn, email, qua điện thoại.

TPBank lưu khách hàng kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn/email nhận được để phát hiện các tin nhắn/email giả mạo ngân hàng. Đường dẫn của TPBank được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website https:// và có đuôi tpb.vn ở phía cuối. TPBank chỉ gửi email tới khách hàng từ địa chỉ email có đuôi @tpb.com.vn.

TPBank lưu khách hàng không cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai kể cả người thân, nhân viên ngân hàng; không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải phần mềm/ứng dụng không rõ nguồn gốc. Thận trọng, hạn chế sử dụng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng để đăng nhập eBank.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo đối với giao dịch ngân hàng, TPBank đề nghị khách hàng thông báo ngay đến số hotline của TPBank 1900585885 hoặc chi nhánh gần nhất.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng tăng cường cảnh báo hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới