Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ ba, 24/08/2021 15:11 (GMT+7)

Ngành dệt may Việt Nam: Nỗi lo mất đơn hàng nếu chậm nhịp sản xuất

Theo dõi KTMT trên

Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt thách thức đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như thiếu hụt lao động, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp.

Chuỗi cung ứng rất linh hoạt, dễ dịch chuyển

Covid-19 ngày càng phức tạp và tấn công mạnh vào TP.HCM và 19 tỉnh thành phía Nam. Làm sao để duy trì được sản xuất, hoàn thành đơn hàng, đảm bảo tiến độ hợp đồng, lưu thông hàng hoá... đang là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay như dệt may.

Số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan cho biết, tính lũy kế đến ngày 15/8, xuất khẩu ngành hàng dệt may đạt 19,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, vượt cả Bangladesh, chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới. 

Nhưng với diễn biến dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam, ngành dệt may cũng như nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu khác đang bị ảnh hưởng nặng nề khi sản xuất bị ngắt nhịp, chi phí bị đội lên cao do thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hiện nay chưa có nhãn hàng hay đối tác nào hủy hợp đồng, nhưng mối lo dịch chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam sang các nước khác trong khu vực luôn hiện hữu.

“Một phần quan trọng góp cho mức tăng trưởng của ngành dệt may trong nửa đầu năm nay là do những đối thủ cạnh tranh lớn của chúng ta trên thế giới bị gián đoạn sản xuất (như chúng ta hiện tại). Có nghĩa là chuỗi cung ứng toàn cầu hết sức linh hoạt. Các nhà nhập khẩu, các tập đoàn lớn trên thế giới có sự chuyển đổi rất nhanh khu vực mà họ đặt hàng. Nếu chúng ta chỉ chậm một vài nhịp thôi, sản xuất bị gián đoạn thì đơn hàng trong tương lai sẽ lập tức dịch chuyển sang nước khác ngay”, ông Trường chia sẻ.

Ông Trường cũng ví dụ, cuối tháng 7, tại Bangladesh, mặc dù số ca lây nhiễm đang là 14.000 - 15.000 ca nhiễm/ngày, nhưng chính phủ Bangladesh vẫn phải quyết định cho hơn 4 triệu lao động của ngành dệt may quay trở lại làm việc.

Lý do là các doanh nghiệp của họ không còn sức cầm cự, chưa kể phát sinh các vấn đề an sinh xã hội liên quan. Đây cũng là một dự báo đường dài cho Việt Nam. Tức là, nếu kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm chỉ khoảng 1 tháng nữa thôi, đến hết tháng 9/2021, thì các doanh nghiệp của nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày hay thủy sản của Việt Nam sẽ “ngấm đòn”. Sức chịu đựng sẽ gần như không còn nếu tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” và thiếu hụt lao động, chưa kể rất nhiều chi phí khác kéo theo.

Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may cũng tính tới phương án chuyển nguyên vật liệu từ Nam ra Bắc để tránh đứt gãy sản xuất. Nhưng ngay phương án tình thế này cũng gặp nhiều trúc trắc khi doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí vận tải, thời gian giao hàng cho các nhãn hàng khó đảm bảo.

Nỗi lo mang tên người lao động

Thiếu hụt lao động đang là mối lo lớn với doanh nghiệp. Để đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay đều phải giảm 50% - 60% số lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh, khiến doanh nghiệp thiếu hụt lượng lớn nhân lực tham gia sản xuất.

Chẳng hạn như Công ty CP May Việt Tiến có khoảng 36.000 người lao động, nhưng nay chỉ còn khoảng 2.000 người lao động ở lại sản xuất những đuôi đơn hàng quan trọng, hoặc phát triển mẫu để chào hàng của mùa năm 2022.

Thậm chí, theo thông tin của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa hiện đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Hàng nghìn lao động theo đó phải nghỉ việc, gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ngay cả với những lao động ở lại tham gia sản xuất, thực hiện “3 tại chỗ” cũng tạo áp lực về tâm sinh lý cho họ, khi phải ở một chỗ lâu ngày, không được về thăm nhà, người thân.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, trong tuần đầu thực hiện “3 tại chỗ”, người lao động vẫn còn hứng khởi sản xuất bình thường. Bắt đầu từ tuần thứ 2, tinh thần của người lao động có dấu hiệu đi xuống, năng suất lao động sụt giảm, chỉ đạt 70 - 75%. Khi thời gian phải ăn ở, làm việc tại chỗ kéo dài quá 3 - 4 tuần, nhiều người tỏ ra bất mãn, muốn nghỉ làm, không thiết tha với công việc. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu và dễ thông cảm đối với họ.

Thực tế, các chuyên gia y tế đều nhận định, tình hình dịch bệnh hiện nay không thể dự báo được và nó cứ lặp đi lặp lại. Chính vì thế doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng phải làm quen với kiểu sản xuất mới trong trạng thái mới. Doanh nghiệp cần xác định, trong 1 năm sản xuất sẽ có những tháng thuận lợi, có những tháng không may, khi dịch bùng phát lại, hoạt động kinh doanh gián đoạn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine là điều kiện đủ và cần giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng và đón nhận hợp đồng mới. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới.

Trong kịch bản tích cực, nếu COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 mới có thể đạt 33 tỷ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm.

Dệt may là một trong những ngành sử dụng số lao động lớn nhất với gần 2,7 triệu người, cũng là ngành chịu sự cạnh tranh rất lớn trong thu hút lao động với các ngành khác. Sự ổn định của lao động rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất.

Tuấn Thủy

Bạn đang đọc bài viết Ngành dệt may Việt Nam: Nỗi lo mất đơn hàng nếu chậm nhịp sản xuất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới