Chủ nhật, 24/11/2024 07:41 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/07/2023 11:46 (GMT+7)

Nghị quyết 23: Cơ hội phát triển lớn cho Tây Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Vùng đất được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” đang có vận hội mới để phát triển mạnh mẽ, khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai hiệu quả và các nguồn lực quý giá được đầu tư vào đây.

Mở hướng phát triển cho vùng Tây Nguyên

Năm 2023 sẽ là một trong những năm đáng nhớ nhất trong hành trình phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, khi các tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 23 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mang tới vận hội phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên.

Nghị quyết 23 khẳng định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Tây Nguyên là phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa – xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách liên kết vùng; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Nghị quyết 23: Cơ hội phát triển lớn cho Tây Nguyên - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết: xây dựng Tây Nguyên từ vùng kém phát triển nhất, thành vùng kinh tế khá của cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp ở Tây Nguyên đang tích cực tìm hiểu và triển khai.

Chương trình hành động của Chính phủ với các dự án trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng, sự chờ đón của các doanh nghiệp… cho thấy Nghị quyết 23 đang tạo ra cho Tây Nguyên cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng rất cần cam kết trách nhiệm từ các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương để cơ hội đó trở thành hiện thực.

Trên thực tế, thấu hiểu Tây Nguyên chính là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển vùng đất này. Nghị quyết số 10-NQ/TW là một ví dụ điển hình.

Nhờ thực thi hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TW, Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân của toàn vùng trong giai đoạn 2002-2019 đã đạt 8,22%/năm. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên GRDP của vùng chỉ tăng 3,66%, tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của vùng tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế của cả nước.

Trong thời gian qua, Tây Nguyên cũng đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, dù đạt 48,38 triệu đồng vào năm 2020 theo giá hiện hành, gấp 10,6 lần năm 2002.

Nghị quyết số 23-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng bám sát mục tiêu này. Theo đó, hàng loạt chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%...

Vượt qua khó khăn, đánh thức tiềm năng

Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, được đặt trên nền tảng kinh tế xã hội khá thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%, cao hơn rất nhiều so với mức 7 đến 7,5% mà Nghị quyết 23 đề ra cho giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết 23: Cơ hội phát triển lớn cho Tây Nguyên - Ảnh 2
Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng phát triển.

Vùng Tây Nguyên, do kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên lâu nay vẫn luôn là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư, kể cả là đầu tư nước ngoài hay trong nước.

Số liệu thống kê cho thấy, tuy tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng dần được tăng lên, nhưng Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng có tổng vốn đầu tư bình quân và tỷ trọng vốn/GRDP thấp nhất cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 16,1%/năm (năm 2020 có tốc độ tăng trưởng vốn cao nhất là 25,3%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2006-2010 đạt 140.500 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư của cả nước; giai đoạn 2011-2020 đạt 694.300 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Đáng chú ý, trong cả giai đoạn 2002-2020, Tây Nguyên chỉ thu hút được 130 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn 1,03 tỷ USD, chiếm 0,4% số dự án và 0,3% tổng vốn đầu tư so với cả nước.

Nguồn lực đầu tư trong nước có hạn, thu hút đầu tư nước ngoài thiếu vắng dự án động lực và nhà đầu tư chiến lược, khiến kinh tế - xã hội Tây Nguyên khó có thể bứt phá. Tuy vậy, Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai được hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là "dư địa", cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.

Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra cho cùng đất Tây Nguyên, không phải chỉ vì có "điểm tựa" là Nghị quyết 23-NQ/TW, mà còn một bản quy hoạch vùng đang được xây dựng. Một khi không gian phát triển mới của toàn vùng được phân bổ lại một cách hợp lý, thêm các cơ chế, chính sách thuận lợi và thông thoáng, cơ hội để Tây Nguyên thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn.

"Bộ Chính trị yêu cầu, cần phải nhận thức rõ: vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong vùng và vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ.

...Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển vùng. Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết và điều phối để phát triển vùng có hiệu lực. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá…".

(Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 14/10/2022)

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết 23: Cơ hội phát triển lớn cho Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới