Chủ nhật, 24/11/2024 05:56 (GMT+7)
Thứ ba, 29/03/2022 08:00 (GMT+7)

Nghiên cứu khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khuyến cáo của WB

Văn phòng Chính phủ ngày 28/3 cho biết, báo chí mới đây đăng thông tin Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" tháng 3/2022, trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi, đồng thời WB đưa ra một số lưu ý đối với Việt Nam thời gian tới.

Nghiên cứu khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam - Ảnh 1
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần đầu tư phát triển đa quốc gia ở khu công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Internet)

Theo đó, cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của ngành xuất khẩu trong bối cảnh mới. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước do giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của WB theo thẩm quyền và theo chức năng, nhiệm vụ; báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Tổng Quan về kinh tế Việt Nam

Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%.

Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19. Năm 2020 Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng GDP dương khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, biến thể Delta đã gây ra một cú sốc cho Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 2-2,5%, thấp hơn 4 điểm phần trăm so với trung bình thế giới.

Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2017 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 76,3 năm 2016, cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới, trong đó 87% dân số có bảo hiểm y tế.

Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2016, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỷ lệ 14% năm 1993. Tỷ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016, trong khi tỷ lệ ở thành thị là trên 95%.

Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để làm được điều này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm khoảng 5% trên đầu người trong 25 năm tới. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn.

Tương lai của Việt Nam đang được định hình bởi một vài xu thế lớn. Dân số đang già đi nhanh chóng, thương mại toàn cầu đang suy giảm, trong khi đó suy thoái môi trường, các vấn đề biến đổi khí hậu và tự động hóa ngày gia tăng. Tiến trình của các xu hướng này càng bị đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19.

Theo cập nhật Báo cáo Chẩn đoán Quốc gia mới nhất của Ngân hàng Thế giới, để vượt qua những thách thức này và đáp ứng các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, giảm nghèo/anh sinh xã hội và cơ sở hạ tầng.

Theo WB, dữ liệu hiện có cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, trong đó sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% trong cùng thời gian, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây tác động đến nguồn cung lao động, sản xuất và tiêu dùng.

Tuy giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định trong khi nhu cầu trong nước còn yếu.

Thặng dư ngân sách là 1,1 tỷ USD trong tháng 2 nhờ kết quả thu ngân sách tốt trong khi chi ngân sách tăng nhờ cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và duy trì đà phục hồi, nhưng theo WB, các yếu tố rủi ro đang tăng cao khi làn sóng dịch do biến thể Omicron vẫn ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên cả nước và xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu chịu tác động của những yếu tố bất ổn liên quan xung đột Nga - Ukraine, trong đó có sức ép mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực lạm phát tăng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới