Người dân Bến Tre kiến nghị khắc phục ô nhiễm nguồn nước kênh Xáng
Từ khi đập tạm ở ấp 2 được đắp để ngăn mặn, nguồn nước ở kênh Xáng ô nhiễm trầm trọng, nước đen bốc mùi hôi thối, rác ùn ứ, khiến cá chết nhiều.
Người dân ấp 1 bức xúc vì nước kênh Xáng bị ô nhiễm đã lâu nhưng không được giải quyết. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN) |
Từ tháng Hai đến nay, hơn 1.000 hộ dân ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ nguồn nước kênh Xáng ô nhiễm, không thể sử dụng để tưới tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trong ấp.
Theo người dân phản ánh, nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm là do đập tạm được đắp ngăn mặn ở ấp 2 (cùng xã Sơn Đông) chặn dòng chảy lâu ngày khiến nước không lưu thông được. Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm đến các cấp chính quyền địa phương từ xã đến thành phố nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được giải quyết.
Người dân ấp 1 cho biết, trước đây, nguồn nước ở kênh Xáng không bị ô nhiễm. Người dân sống dọc kênh sử dụng nguồn nước này để tưới tiêu, chăn nuôi. Từ khi đập tạm ở ấp 2 được đắp để ngăn mặn, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, nước đen bốc mùi hôi thối, rác ùn ứ, khiến cá chết nhiều.
Gia đình ông Huỳnh Xuân Sơn trước đây nuôi khoảng 200 con lợn. Nguồn nước cho lợn uống, vệ sinh chuồng trại đều được ông Sơn bơm lấy trực tiếp từ kênh Xáng lên để sử dụng. Gần nửa năm nay, máy bơm của gia đình ông không hoạt động, nước để phục vụ chăn nuôi phải lấy từ nguồn nước máy.
"Trước kia, mỗi tháng gia đình sử dụng khoảng 500.000 đồng tiền nước máy nhưng từ khi phải dùng nước máy để phục vụ chăn nuôi, gia đình tôi tốn mỗi tháng 2 triệu đồng tiền nước. Chi phí quá cao nên tôi bán bớt phần lớn đàn lợn, không dám nuôi nhiều," ông Sơn cho biết.
Hơn nửa năm nay, ông Huỳnh Xuân Sơn không thể bơm nước từ kênh Xáng lên để sử dụng, vì nguồn nước ô nhiễm. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN) |
Theo ông Nguyễn Thanh Triều, trước đây, các phòng trọ của gia đình ông đều có người đến thuê ở. Thế nhưng từ khi nước kênh bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối, muỗi xuất hiện nhiều, khiến người thuê phòng bỏ đi. Người ở lại, cửa phòng lúc nào cũng đóng kín.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Trưởng ấp 1 cho biết, toàn ấp có 1.181 hộ dân sinh sống đều bị ảnh hưởng bởi nguồn nước này. Đa số người dân ở đây đều làm nông nghiệp, chăn nuôi. Nhưng nguồn nước ô nhiễm, người dân không thể chăn nuôi, trồng trọt.
Cũng theo bà Dung, trước đây, ấp chưa có trường hợp nào bị bệnh sốt xuất huyết nhưng vài tháng gần đây đã có 5 trường hợp bị sốt xuất huyết. Vì nước tù đọng, nhìn dưới nước chỗ nào cũng thấy lăng quăng, buổi tối muỗi rất nhiều.
Người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm này đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết. Mong muốn của người dân lúc này là chính quyền sớm trả lại hiện trạng nguồn nước như trước kia.
"Xã Sơn Đông là xã nông thôn mới nhưng môi trường nước ô nhiễm như vậy không thể chấp nhận được," ông Nguyễn Văn Khởi bức xúc.
Đập tạm ngăn mặn ở ấp 2 được cho là nguyên nhân khiến nguồn nước ở kênh Xáng bị ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN) |
Đập tạm ngăn mặn ở ấp 2, xã Sơn Đông được xây dựng nhằm ngăn mặn không cho ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Sơn Đông vào đầu năm 2020.
Ông Nguyễn Thuần Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, cho biết người dân ở địa phương rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm ở kênh Xáng và đã phản ánh nhiều lần với UBND xã. Thời gian qua, UBND TP.Bến Tre và đại diện UBND tỉnh đã đến làm việc với xã về hướng giải quyết ô nhiễm ở kênh Xáng.
Trước mắt vẫn giữ đập tạm, không tháo dỡ đập. Vì nếu tháo đập, nguồn nước ô nhiễm sẽ chảy ra sông Mã, ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Sơn Đông (nhà máy nước cung cấp nước sạch cho tỉnh Bến Tre).
Phương án được đưa ra là khơi thông dòng chảy cho nguồn nước thoát ra sông Bến Tre để xả bớt nguồn nước tù đọng. Đợi khi có trận mưa lớn mới tháo dỡ đập tạm cho nguồn nước từ kênh Xáng trôi nhanh, không ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Sơn Đông.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thuần Vũ, đến thời điểm này, việc giải thoát nguồn nước ô nhiễm ở kênh Xáng vẫn chưa được thực hiện, gây bức xúc kéo dài trong người dân. Địa phương mong cấp trên sớm xử lý dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống.
Trần Thị Thu Hiền