Chủ nhật, 24/11/2024 10:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/09/2020 09:30 (GMT+7)

Người dân Tân Uyên 'đổi đời' nhờ sản xuất chuyên canh tập trung

Theo dõi KTMT trên

Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại huyện Tân Uyên (Lai Châu) được hình thành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Sau hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện nghèo Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã có nhiều khởi sắc. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Cách đây 5 năm, gia đình anh Tòng Văn Dung, dân tộc Thái, ở bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên thuộc diện đặc biệt khó khăn. 6 nhân khẩu trong gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ hơn 2.000m2 ruộng trồng cấy 1 vụ và hơn 5.000m2 cây chè. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và áp dụng phương thức canh tác cũ, nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Người dân Tân Uyên 'đổi đời' nhờ sản xuất chuyên canh tập trung - Ảnh 1
Ngoài các cây trồng mới, việc thâm canh hơn 3.100ha chè cũng giúp người nông dân ở Tân Uyên có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Anh Tòng Văn Dung tâm sự, thấy báo, đài nói nhiều về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi mình có đất lại đói nghèo, nên gia đình tìm cách để làm theo. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo và vốn vay ngân hàng, gia đình anh mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp nuôi cá, ếch, gà đồi và trồng các loại cây ăn quả. Dần dần đời sống được cải thiện, không những trả hết nợ ngân hàng mà gia đình còn xây được nhà, mua được ô tô...

"Gia đình chúng tôi hiện tại thu nhập mỗi một năm cũng được gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đang mong muốn nhà nước quan tâm đến mô hình của chúng tôi hơn nữa. Đầu ra hiện tại đang rất bấp bênh, mong nhà nước hỗ trợ để bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi" - anh Dung cho biết.

Cũng như anh Dung, gia đình ông Nguyễn Quang Nghĩa, ở bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cũng từng là hộ nghèo của xã. Nhờ nguồn hỗ trợ vốn vay dành cho hộ nghèo của nhà nước, ông Nghĩa đã tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi gà đồi. Đến nay, ngoài nguồn thu nhập từ bán gà mỗi năm hơn 100 trăm triệu đồng, gần 1ha chè của gia đình đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Người dân Tân Uyên 'đổi đời' nhờ sản xuất chuyên canh tập trung - Ảnh 2
Nông dân huyện nghèo Tân Uyên đã làm chủ nhiều mô hình kinh tế có giá trị hàng tỉ đồng.

"Những gia đình làm chè người ta cũng vất vả và bận bịu, cho nên khi không làm kịp thì trưởng bản, Bí thư, rồi mặt trận thông báo là mọi người trong bản, trong xóm lại cùng nhau đi làm giúp. Bây giờ đường giao thông trong bản, đường đi vào từng ngõ ngách, từng nhà nói chung là sạch sẽ và mỗi tuần chúng tôi dọn dẹp một lần vào buổi chiều thứ 6 hoặc thứ 7" - anh Nghĩa bày tỏ.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 trên cơ sở khó khăn của một huyện nghèo, đến nay Tân Uyên đã hình thành các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, có sự liên kết trong sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ liên kết với doanh nghiệp, năng suất, sản lượng và giá trị các các sản phẩm cây trồng, vật nuôi tăng cao hàng năm, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Người dân Tân Uyên 'đổi đời' nhờ sản xuất chuyên canh tập trung - Ảnh 3
Nhiều mô hình kinh tế của người dân có sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cũng có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay, ngoài duy trì hơn 3.100ha chè, người dân đang tập trung phát triển diện tích quế, mắc ca và mở rộng diện tích nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập. Huyện cũng đã có 8/10 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đầu người vượt trên 32 triệu đồng/người/năm và phấn đấu hết năm nay trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Thanh Huy cũng cho biết thêm: "Huyện đang cùng với các xã thực hiện nhiều chương trình, dự án, chuẩn bị sắp tới là có dự án chăn nuôi trâu, nhà nước hỗ trợ 2,3 tỉ và nhân dân đóng góp 1,3 tỉ. Đây cũng là một trong các dự án giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, huyện cũng đầu tư rất nhiều chương trình, dự án khác như trồng quế, sơn tra để nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới thì hiện nay chúng tôi đã đạt 5/9 tiêu chí và theo như đánh giá của ban chỉ đạo thì 4 tiêu chí còn lại xác định cuối năm nay sẽ đạt".

Huyện nghèo Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đang dần khởi sắc khi giao thông hôm nay về các bản đã thuận lợi nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Có đường, điện, trường, trạm khang trang cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế liên kết với doanh nghiệp, đời sống người dân đang từng ngày đổi thay. Mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang dần hiện hữu.

Khắc Kiên

Bạn đang đọc bài viết Người dân Tân Uyên 'đổi đời' nhờ sản xuất chuyên canh tập trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới