Chủ nhật, 24/11/2024 12:32 (GMT+7)
Thứ ba, 29/10/2019 14:00 (GMT+7)

Nguy cơ tử vong cao từ loại khí tự nhiên cực độc

Theo dõi KTMT trên

ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca bị ngạt khí dẫn tới tử vong, hầu hết là do ngạt khí tự nhiên sunphua hydro H2S. Đây là khí tự nhiên nguy hiểm nhất, sẽ gây ra tử vong ngay lập tức cho người bị ngạt. Thế giới gọi đây là hội chứng “búa tạ” ở lò mổ.

Nguy cơ tử vong cao từ loại khí tự nhiên cực độc - Ảnh 1
ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về một ca ngộ độc khí H2S.

Không nhầm lẫn giữa ngạt khí thông thường với ngộ độc khí H2S

Gần đây, tình trạng ngộ độc ngạt khí dẫn tới nhiều trường hợp nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong khá thương tâm. Có nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, khi biết một người bị ngạt khí nhưng không có biện pháp phòng vệ, lại chạy vào ứng cứu tiếp dẫn tới cũng gặp tình trạng ngộ độc nặng. Gần đây nhất, một người dân ở Hà Nội trong khi thau bể đã bị tử vong nghi do ngạt khí.

“Tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều ở nhiều sự vụ hằng năm tại hầm cá, hầm tàu, chỗ để hoang, những khơi giếng sử dụng lại, chui xuống bể chứa rác, bể chứa rác thải. Vụ nào cũng ít nhất ngộ độc nặng phải hồi sức cấp cứu và thường có tử vong”, BS Nguyên cho hay.

BS Nguyên cho biết, có nhiều nguy cơ ngộ độc từ khí tự nhiên trong môi trường mà trong đó, khí Sunphua hydro H2S được coi là loại khí “trứng thối” cực kỳ nguy hiểm. Sunphua hydro là nguyên nhân gây ngộ độc và tử vong nhanh chóng kiểu “nốc ao” (suy sụp rất nhanh) ở những người đi vào trong các môi trường kín như giếng, hầm, hang, cống ngầm, bồn hoặc khoang kín,… đặc biệt các khu vực kín chứa vật liệu hữu cơ bị phân hủy hoặc bỏ hoang lâu ngày.

Do các chất hữu cơ phân hủy tại những nơi kín này sinh ra các chất khí, tích tụ lại gây ra ngộ độc cho người tiếp xúc. Tùy mức độ, nếu nhẹ thì người đi vào khu vực này sẽ ngửi thấy mùi hôi thối. Tuy nhiên, nếu khí độc có nồng độ cao thì mọi người chưa kịp thấy mùi thối đã bị ngộ độc và suy sụp, bất tỉnh và tử vong chỉ sau vài phút.

“Đặc tính của khí này là hấp thu nhanh vào cơ thể qua đường hô hấp, thần kinh khứu giác. Nó ngăn cản hô hấp tế bào rất nhanh ở tất cả các tế bào cơ thể. Nếu nồng độ cao, người bệnh sẽ liệt thần kinh và bất tỉnh nhanh trong vài giây, co giật, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong trong thời gian tính bằng phút. Thế giới gọi đây là hội chứng “búa tạ” ở lò mổ”, BS Nguyên nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, mặc dù tình trạng này đã được cảnh báo nhiều, nhưng nhiều người dân và ngay cả không ít cán bộ y tế cũng cho rằng, đó chỉ là ngạt khí thông thường. “Nhiều người nghĩ là ngộ độc khí tự nhiên chỉ là ngộ độc khí như metal và khí khác. Nhưng thực tế, khí metal nó chỉ chiếm chỗ oxy và có nguy cơ gây ra cháy nổ như tại các hầm lò. Khí nguy hiểm nhất lại chính là H2S”. BS Nguyên nói. Vì thế, đã có nhiều ca tử vong liên tiếp khi người ở ngoài vào ứng cứu người bị ngạt mà không hề biết rằng mình đã bị ngộ độc khí H2S.

Ngộ độc khí H2S giống như chất độc cyanua

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận vài ca bị ngộ độc khí này. Ngộ độc sunphua hydro gây tử vong nhanh chóng, phần lớn ngay tại hiện trường, nhiều bệnh nhân không kịp đến bệnh viện. Trong số các bệnh nhân được đưa tới bệnh viện, phần lớn tới muộn.

Ngộ độc khí H2S có diễn biến tình trạng bệnh nặng như ngộ độc hóa chất cyanua. Theo đó, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện nhanh, rầm rộ, nặng nề. Tử vong nhanh chóng thường do suy hô hấp do co giật và ức chế hô hấp tế bào.

Ngoài ra, ngộ độc H2S còn có các biểu hiện khác đặc trưng như các vật kim loại trên người bệnh nhân như bạc, đồng, sắt, trang sức, khuy, thắt lưng sẽ xỉn màu.

“Hiện tại không có phương pháp chẩn đoán với ngộ độc khí này và thường dễ bị nhầm với bệnh khác như tai biến mạch não, tim mạch, tai nạn khác… Nếu hồi sức cấp cứu kịp thời với điều kiện điều kiện bệnh nhân không ngừng thở, ngừng tim, tụt huyết áp lâu quá thì khả năng hồi phục tốt, sẽ giữ tính mạng cho người bệnh”, BS Nguyên cho hay.

Theo BS Nguyên, với những nơi nước nhiều cặn, bùn, nhiều chất hữu cơ sẽ có các loại khí, mùi hôi. Ngay cả những giếng khơi, hố rác dù không bị đóng kín nhưng vẫn có tích lũy nguồn khí độc ở lớp dưới. Để phòng tránh không bị ngộ độc khi thực hiện các thao tác như thau giếng, thau bể lâu ngày… BS Nguyên cho rằng, chỉ có cách làm thông thoáng vùng đó, thay không khí mới bằng những cách khác nhau. Nếu đưa được bệnh nhân ra ngoài thì cần đưa ra chỗ thoáng khí, cấp cứu hô hấp tim phổi. Trong trường hợp này có thể hà hơi, thổi ngạt.

“Hiện nay, nước ngoài có thiết bị chuyên dụng để xét nghiệm khí này trước khi họ vào những vùng có nguy cơ ngộ độc nhưng Việt Nam hiện tại chưa có”, BS Nguyên nói.

Theo số liệu từ Cục Thống kê lao động của Mỹ, trong các trường hợp ngộ độc sunphua hydro, 24% gặp trong quá trình xử lý rác, 18% trong công nghiệp khí tự nhiên, 87% các tử vong xảy ra ngay tại nơi tiếp xúc và 21% các trường hợp có từ hai người chết trở lên, trong đó một số người cấp cứu cũng tử vong.

Ở nước ta, mặc dù chưa có nghiên cứu và khảo sát đầy đủ nhưng có lẽ đây là loại khí đã gây nên các trường hợp ngộ độc và tử vong khi vào các khoang kín của tàu biển cũ, xuống giếng bỏ hoang, bồn rác thải nhà máy giấy hay cơ sở sản xuất có xử lý lông gia cầm.

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ tử vong cao từ loại khí tự nhiên cực độc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới