Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Những “kỷ lục” buồn về chất lượng SGK
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GD VN), dư luận không còn ngạc nhiên. Bởi những dấu hiệu sai phạm ở công tác biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa (SGK) đã bộc lộ tương đối rõ trong thời gian qua. Với giáo viên, học sinh, điều quan tâm nhất hiện nay là: tại sao vẫn còn những cuốn SGK chưa thực sự chuẩn về kiến thức, khoa học, giáo dục và thực tiễn... cho thầy trò dạy và học.
Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, tháng 01/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, NXB GD VN đã phải thu hồi 110.000 cuốn SGK đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và một số cuốn sách khác vì những sai sót ảnh hưởng đến việc tiếp nhận kiến thức chuẩn của các cuốn sách này.
Ngữ liệu SGK có nhiều lỗi nhất (Tiếng Việt lớp 1, 2): Trong văn bản trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để sửa những lỗi sai về ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt lớp 1, 2, NXB GD VN đã thống kê hơn 30 lỗi cần phải bắt buộc sửa, đính chính trong SGK. Điều đáng nói là văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép sửa lỗi sau khi bị dư luận, báo chí và giáo viên phát hiện lại không đưa lên công luận công khai để tỏ thái độ cầu thị như cách làm của SGK Cánh Diều. Trong năm học đầu tiên sử dụng SGK mới, Bộ GD&ĐT chỉ tập trung xử lý các ý kiến về bộ SGK xã hội hoá này, mà không xử lý 4 bộ sách của NXB GD VN,mặc dù báo chí cũng nêu nhiều ý kiến về 4 bộ SGK của NXB GD VN – doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ.
Xâm phạm bản quyền nhiềunhất: Nhiều ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt đã không trích nguồn, không có tác giả. Việc này thể hiện cách làm thiếu trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của người làm SGK. “Thậm chí, báo chí còn nói rõ cả 4 bộ SGK của NXB GD VN đều xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, tức là có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu Bộ GD&ĐT chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại. Tôi chưa rõ vì sao có cách xử lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy. Tôi không tin là có ai đó đang muốn quay lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vựcxuất bản, phát hành SGK, trái với chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước và mong muốn của nhân dân về việc xoá bỏ độc quyền SGK” (Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội – Quốc hội).
Bỏ chữ không dạy - tùy tiện nhất (chữ P)
Năm qua dư luận ồn ào dậy sóng về việc Tổng chủ biên bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã tùy tiện bỏ chữ “P” không dạy cho học sinh trong SGK Tiếng Việt lớp 1.
Sau khi có nhiều ý kiến ồn ào trên báo chí và mạng xã hội, Tổng Chủ biên của bộ sách giải thích: Sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" đã dạy chữ ‘P’ khi nó kết hợp với ‘H’ thành chữ ‘PH’ (phờ). Sở dĩ tác giả không đưa chữ ‘P’ độc lập vào sách vì rất ít từ tiếng Việt có chữ ‘P’ đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là ngoại lai. Bức xúc với sự giải thích này, nhà giáo Đào Quốc Vịnh viết thư cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong thư ông cho rằng SGK cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh dân tộc Kinh.
Kiến thức SGK có nhiều nội dung trái ngược nhau nhất
Đầu tháng 12 vừa qua, giáo viên lại phát hiện trong cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhưng ở phần bài tập cuối Chương 1 trong SGK Toán 6 (tập 1) ở các nhà in Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Nam lại có nội dung khác nhau.
Hay cùng một nhóm viết SGK Lịch sử và Địa lý mà kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Cụ thể, SGK Lịch sử và Địa lý 6 có nội dung: "Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc".
Nhưng ở SGK Lịch sử và Địa lý lớp 7 lại cung cấp kiến thức cao nguyên Đê-can lại ở vùng Tây Nam.
Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ liên quan đến những “sạn” trong SGK của NXB GD VN. Tuy nhiên, trước những lỗi nghiêm trọng này, đến nay phía NXB GD VN hoàn toàn chưa có ý kiến phản hồi, đính chính hay bất kỳ hành động khắc phục hậu quả nào và thông tin cho xã hội được biết.
Ngữ liệu tù mù, thách đố nhất
Ba năm qua, dư luận đã nhặt được không ít “sạn gộc” của ngữ liệu SGK của NXB GD VN trong chương trình GDPT mới, đặc biệt của SGK Tiếng Việt lớp 1,2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của NXB GD VN. Báo chí và bạn đọc đã dày công , kiên nhẫn chịu khó nhặt “sạn” giúp các tác giả biên soạn . Bởi sự “tù mù, tắc tỵ hóa văn bản” đã trở thành nỗi ám ảnh của thầy trò khi học .
Đơn cử, nhắc lại ví dụ : Bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 còn có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có / Chẳng nặng là bao ? Bạn ơi đi đâu / Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)” Không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì.
Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này cũng thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp.
Ví dụ khác :Cha được gọi là con gì?
Mục giải câu đố, trang 79, tập 1 có ghi :
Con gì tên rõ là “cha”
Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa
Con gì quen vẻ già nua
Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ
Để hiểu được câu đố, theo logic này, trẻ em phải có sự liên tưởng của người ngoài hành tinh: Con gì tên rõ là “cha”. Ngay từ câu 1, đã thấy vô nghĩa và phản giáo dục: “Con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố)? Ô hay, kho tàng văn học dân gian đã hết câu đố hay và giàu tính giáo dục đâu, mà bắt trẻ 6-7 tuổi phải buộc hiểu “con gì tên rõ là “cha”?
Đem con vật để bắt trẻ buộc liên tưởng đến người cha thì có lẽ sau này, trẻ có quyền suy diễn, liên tưởng đến những con vật xấu xí khác, rồi nói đó là cha, mẹ mình, vì sách nói vậy.
Còn rất nhiều ví dụ khác nữa....
Chính vì những bất cập, tù mù và tắc tỵ về ngữ liệu trong SGK nên ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch HĐ thành viên NXB GD, đã buộc phải có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép đính chính và sửa lại . Trong danh sách sửa lại văn bản cho phù hợp và chuẩn xác, có tới hơn 60 lỗi về SGK Tiếng Việt, chủ yếu là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ngoài ra là của SGK tiếng Anh và các lại sách khác
Nhiều sai sót trong kiến thức
Đã được thầy giáo Mai Văn Túc (giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều GV trên cả nước) phát hiện cuốn SGK Khoa học tự nhiên 6 (thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do NXB GD VN biên soạn và xuất bản). Cuốn sách do nhóm 12 tác giả biên soạn, ông Vũ Văn Hùng làm Tổng chủ biên, NXB GD VN năm 2021.
Sau khi chỉ ra một loạt lỗi sai trong cuốn sách, thầy Túc chỉ ra 1 bài đã có tới gần hai chục lỗi. Thầy thất vọng bởi sự sai lệch kiến thức nghiêm trọng trong cuốn sách này. Nhất là khi thực hiện thí nghiệm cho học sinh theo hướng dẫn của sách: “Cuối cùng điều gì khẳng định khi tiến hành thí nghiệm thì xe lăn đang chuyển động theo phương ngang? Thiếu cơ sở khoa học. Vậy là chỉ trong một bài đã có tới 16 cục "sạn".
Hay như trong bài 54 - Hệ mặt trời, hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ quan sát vết đen trên mặt trời, thầy Túc cho biết: "Hình vẽ và hướng dẫn không khớp nhau làm giáo viên và học sinh làm nhầm có thể gây tổn thương rất nguy hiểm cho mắt, thậm chí mù mắt. Không thể kết nối tri thức với cuộc sống như thế này được".
PV