Nhiệt độ trung bình thế giới có thể lên hơn 29 độ C vào cuối thế kỷ này?
Các nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng lên hơn 29 độ C, vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người, và khiến hơn 2 tỷ người - tương đương 20% dân số thế giới - phải đối mặt với nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.
Trong hai ngày 3 và ngày 4/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục phá vỡ kỷ lục. Cụ thể, vào ngày 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Đây là mốc nhiệt độ cao nhất theo dữ liệu của Trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ, kể từ năm 1979. Đến ngày 4/7, nhiệt độ còn tăng cao lên tới 17,18 độ C, trong khi kỷ lục trước đó được ghi nhận là 16,92 độ C vào tháng 8/2016.
Thế nhưng theo các chuyên gia thì kỷ lục về nhiệt độ có thể tiếp tục bị phá vỡ nhiều lần trong năm nay. Theo nhà khoa học Robert Rohde, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth, dự đoán rằng thế giới có thể sẽ trải qua những ngày nóng hơn trong vòng 6 tuần tới.
Trên khắp thế giới, những đợt nắng nóng đến sớm và kéo dài đã khiến nhiều người tử vong, mùa màng bị ảnh hưởng, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực và khan hiếm nguồn nước, góp phần gây ra những đám cháy rừng chưa từng có.
Trong đợt nắng nóng cuối tháng 6 vừa qua, tại bang Texas (Mỹ) nhiệt độ lên tới 48 độ C. Còn tại Mexico, nhiệt độ tăng vọt từ tháng 3/2023, đã khiến ít nhất 112 người tử vong. Nắng nóng ở Ấn Độ cũng gây ra cái chết cho ít nhất 44 người ở bang Bihar. Nước Anh cũng ghi nhận tháng 6 nóng nhất từ năm 1884...
Các chuyên gia của Liên hợp quốc cảnh báo, nếu không có hành động mang tính đột phá, các hiện tượng thời tiết cực đoan này ngày càng diễn biến nghiêm trọng, tương lai của con người sẽ đối mặt với hàng loạt hiểm họa.
Ông Kevin Anderson, chuyên gia về năng lượng và khí hậu quốc tế nhận xét: “Thách thức giảm lượng khí thải hiện nay khó khăn hơn nhiều so với 5 hay 10 năm trước bởi đây là một vấn đề tích lũy. Mỗi khi chúng ta đốt một số nhiên liệu hóa thạch, hoặc chúng ta có một tập quán hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp, thói quen đưa khí thải vào khí quyển, những khí thải đó tích tụ năm này qua năm khác trong khí quyển. Nếu thói quen này vẫn duy trì, khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn”.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ sẽ tăng cao hơn mức trung bình lịch sử khi xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tiếp tục thải ra khoảng 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 mỗi năm cũng là nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên một cách đáng báo động.
Nhiều nhà khoa học nhất trí rằng, biến đổi khí hậu đang đi tới những giới hạn chưa từng thấy trước đây. Trong phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa diễn ra, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, những con số mới nhất chứng minh rằng, biến đổi khí hậu đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu tiếp tục trì hoãn các biện pháp cần thiết, thế giới sẽ bước vào một tình huống thảm khốc.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Dù diễn biến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây, song các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu. Các cuộc đàm phán khí hậu ở Bonn (Đức) mới đây chỉ đạt tiến bộ nhỏ trong những vấn đề chủ chốt như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Với tình hình như hiện nay, nhiều nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng lên hơn 29 độ C, vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người, và khiến hơn 2 tỷ người - tương đương 20% dân số thế giới - phải đối mặt với nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.
Trong bối cảnh không còn nhiều thời gian để hành động, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11 và tháng 12 tới được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt nhưng cũng hết sức khó khăn, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Kết quả của hội nghị sẽ đóng vai trò quan trọng vào việc hình thành và định hướng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai.
PV