Nhiều sai phạm tại các dự án nạo vét hồ thủy lợi ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Giữa tháng 5 vừa qua, Ðoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án nạo vét, cải tạo, tận thu vật liệu san lấp tại một số hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện hàng loạt sai phạm, có những vi phạm diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Kiểm tra sai phạm tại dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa. |
Kiểm tra, giám sát việc thi công nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà thực hiện từ tháng 6/2017, thời gian triển khai là 4 năm, Ðoàn kiểm tra phát hiện, thay vì cải tạo lòng hồ, doanh nghiệp lại dùng phương tiện đào bới để khai thác cát ở khu vực hành lang bảo vệ hồ, vượt ra ngoài ranh giới quy định từ 50 m đến 100 m, tạo nhiều hố sâu, dài, rất nguy hiểm.
Qua tìm hiểu được biết, đây là một trong năm dự án nạo vét, cải tạo hồ trên địa bàn được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận theo hình thức xã hội hóa. Dự án được triển khai trên diện tích 55 ha, độ sâu sau khai thác tới -20 m, thời hạn thi công 4 năm, tổng trữ lượng khoáng sản được phép khai thác khoảng 780.000 mét khối cát. Tuy nhiên thực tế kiểm tra cho thấy, diện tích, khối lượng, độ sâu nạo vét tại hồ thủy lợi trên đều vượt so với quy định. Trong quá trình triển khai dự án, lẽ ra đơn vị phải thi công hai hố lắng, nhưng hai hố lắng này lại không phải phục vụ cho việc nạo vét hồ mà chủ yếu là phục vụ cho việc rửa cát.
Quá trình thi công nạo vét hay vận chuyển khoáng sản đều do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà tự quyết định, không có sự giám sát của chính quyền địa phương, cũng như cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng sự phối hợp giữa các huyện, thị xã, các sở, ngành, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… là nguyên nhân để các đơn vị này cố tình làm sai quy định.
Ðiều đáng nói, những sai phạm tại dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa mà Ðoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh phát hiện vừa qua cũng diễn ra tại hầu hết các dự án nạo vét hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, như: Dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Kinh (huyện Xuyên Mộc), hồ Bút Thiền (huyện Long Ðiền), Suối Nhum (thị xã Phú Mỹ)...
Ðiển hình tại dự án nạo vét hồ Bút Thiền (huyện Long Ðiền) do UBND tỉnh cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Ðại Nguyên trực tiếp thi công, với tổng khối lượng tận thu hơn 1,5 triệu mét khối cát (trong đó, cát san lấp hơn 1,2 triệu mét khối; cát xây dựng 300 nghìn mét khối). Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, nhằm giúp hồ tích trữ thêm nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp.
Tuy nhiên, khi dự án triển khai đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương và chính quyền sở tại. Rất nhiều ý kiến thắc mắc, không biết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dựa trên cơ sở nào mà kiến nghị cho phép một dự án cải tạo hồ kéo dài đến 5 năm? Ðây phải chăng là sự tiếp tay cho doanh nghiệp lấy lý do cải tạo hồ chứa để khai thác khoáng sản trái phép? Huyện ủy Long Ðiền sau đó cũng đã có văn bản kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều chỉnh quy mô và thời gian thực hiện dự án. Cụ thể, chiều sâu nạo vét bình quân từ 0,5 đến 1 m và thời gian thi công từ 6 tháng đến 1 năm (chứ không phải sâu đến -4 m, thi công trong vòng 5 năm như tỉnh cấp phép).
Tương tự, dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa cũng vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của người dân địa phương. Tháng 3/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà tạm dừng thi công. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phải tiến hành khảo sát, đánh giá lại năng lực và hiệu quả của dự án cũng như của Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp tham gia nạo vét, cải tạo các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều được kéo dài thời gian thi công từ bốn đến 5 năm đang đặt ra nhiều câu hỏi về cơ sở pháp lý của việc cấp phép này.
Việc doanh nghiệp nạo vét được hoàn vốn bằng hình thức tận thu vật liệu xây dựng sau khi được các ngành chức năng thẩm định giá như hiện nay có phải là mô hình xã hội hóa? Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư của tất cả các hồ nước để thực hiện cải tạo, quản lý nguồn nước. Vì sao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không tiến hành đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và trình độ? Phải chăng đây là nguyên nhân khiến các dự án nạo vét, cải tạo các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở thành nỗi bức xúc của người dân địa phương.
Theo Nhân Dân