Chủ nhật, 24/11/2024 02:53 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/10/2024 22:05 (GMT+7)

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon

Theo dõi KTMT trên

Tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững

Sáng 26/10, Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, phối hợp với Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững”. 

Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện IDE cho biết, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững.

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 1
PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Duy Khánh

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp thực hiện biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính, giúp chuyển đổi nền kinh tế trung hòa carbon. Về mặt kinh tế, phát triển thị trường tín chỉ carbon làm tăng giá trị của những cánh rừng của Việt Nam, tạo ra giá trị bền vững của rừng. Đồng thời phát triển thị trường tín chỉ carbon giúp nhà quản lý có công cụ chính sách hiệu quả để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất. PGS.TS Đặng Văn Thanh cho biết.

Trong đề dẫn Hội thảo, T.S Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, theo thông tin từ Viện Thị trường Carbon thế giới, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu.

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 2
T.S Nguyễn Tú Anh phát biểu

"Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững". TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát gần đây của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường có hơn 50% doanh nghiệp trên tổng số 537 doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon, và chỉ 1,27% doanh nghiệp biết về ETS và thị trường tín chỉ carbon. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có đủ hiểu biết và quan tâm đến thị trường có nhiều ưu thế này. TS. Tú Anh thông tin.

Đề xuất giải pháp căn cơ cho lĩnh vực này, TS Tú Anh cho rằng cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, nguyên tắc xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt, nguyên tắc xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ. Do thị trường tín chỉ carbon là một dạng thị trường đặc biệt mua bán quyền phát thải và năng lực hấp thụ khí nhà kính, do đó những điều kiện cơ bản trên đây vẫn chưa được đáp ứng.

Sau khi kiểm kê một cách đáng tin cậy, mới có căn cứ để bàn đến việc ban hành hạn mức phát thải, từ hạn mức phát thải mới hình thành nên nhu cầu của thị trường tín chỉ carbon. Như vậy, chặng đường để hình thành và phát triển thị trường tín chỉ carbon ở nước ta vẫn còn nhiều sương mù phía trước. TS. Tú Anh nhìn nhận.

Tham luận tại Hội thảo, TS.LS Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền mang đến nội dung chính về: Khung phát triển Tín chỉ carbon tại Việt Nam; Các chuyển đổi để bắt đầu hành trình Net Zero; KCN tiên phong - KCN Nam Cầu Kiền đang làm gì cho mục tiêu này?

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 3
T.S, Luật sư Phạm Hồng Điệp trình bày tham luận

Theo TS.LS Phạm Hồng Điệp, thị trường tín chỉ carbon quan trọng, vì đây là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tính minh bạch, cam kết hành động vì khí hậu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cách tham gia chiến lược vào thị trường carbon trong bối cảnh thực hiện NDC của Việt Nam.

Tại KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), với đặc thù tập hợp đa dạng ngành nghề, phát thải liên tục trong suốt quá trình hoạt động của mình nhiều năm. Đặc điểm quy mô lớn nhỏ, mức phát thải khác nhau doanh nghiệp, để quản lý hiệu quả KCN nhiều yếu tố cần quản trị bằng ESG. Sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước. Trong đó, có cơ sở hạ tầng sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước, hạ tầng sinh thái.

Công trình xanh với các nhà xưởng công trình, chứng nhận tiêu chuẩn, tiêu chí các thị trường và các Giải pháp tài nguyên xanh, bao gồm năng lượng xanh, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học quy mô cộng đồng. Đặc biệt, ưu tiên giảm phát thải trước khi phát triển tín chỉ carbon.

Theo ông Phạm Hồng Điệp có sáu lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bảo gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp; Lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.

Chia sẻ về lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai giảm phát thải khí nhà kính, ông Điệp cho biết cần hướng dẫn, thúc đẩy việc kiểm kê doanh nghiệp. Lộ trình chia theo 02 giai đoạn, từ nay đến 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật 2 năm/lần.

Ông Điệp nhấn mạnh: "Tham gia vào thị trường carbon là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu”.

Tại buổi tham luận, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cũng như tận dụng tiềm năng thị trường cũng như thị trường carbon, cần cung cấp cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ cácbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy việc giảm phát thải và nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, sạch.

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 4
Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 5
Các diễn giả thảo luận về phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tham góp để phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon. 

Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 6
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo. 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hải - Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) cho biết: "Hội thảo đã góp phần đưa ra thêm các giải pháp xung quanh vấn đề phát triển thị trường tín chỉ carbon hiện nay. Hy vọng với những tham luận, đóng góp ý kiến chất lượng từ đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo sẽ góp phần giúp thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới, cùng với đó, đề xuất các giải pháp, khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường này".

Bài và ảnh: Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới