Những biện pháp phòng ngừa và chăm sóc xe khi ngập nước
Theo dự báo, trong 24 - 48 giờ tới Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục đón các đợt mưa lớn, khả năng ngập tại các tuyến đường là rất cao. Vì vậy, người tham gia giao thông cần có biện pháp phòng ngừa để có thể tránh ngập nước.
Sáng 28/9, Hà Nội mưa to khiến nhiều tuyến phố ngập sâu. Mưa ngập đúng thời điểm đầu buổi sáng khiến giao thông hỗn loạn, nhiều tuyến đường ùn tắc, người dân phải chật vật tới nơi làm việc.
Theo bản tin lúc 8h30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được có nơi lên tới 100mm như trạm bơm hồ Linh Đàm (95mm), Mộ Lao (Hà Đông) 86mm, Yên Nghĩa (Hà Đông) 109mm, Thanh Xuân 83mm...
Các khu vực khác ghi nhận lượng mưa từ 30-80mm. Mưa lớn khiến một số tuyến đường ngập nặng như phố Trần Bình ngập sâu 0,2m, Bùi Xương Trạch 0,25m, Nguyễn Trãi 0,1m, Tô Hiệu 0,2m...
Tháng 9-10 cũng là thời gian mưa và ngập lớn tại Hà Nội. Đây cũng là thời gian mà người dân cần đề phòng với việc ngập xe. Các chuyên gia kỹ thuật khuyến cáo, việc xử lý những chiếc xe ngập nước thông thường không mất nhiều thời gian, chủ yếu là thay dầu máy, dầu hộp số, kiểm tra lọc gió (thay nếu cần), tra dầu mỡ, vệ sinh nội ngoại thất. Với những chiếc xe bị ngập sâu, nước bẩn vào động cơ thì việc vệ sinh sẽ mất thời gian và tốn công sức hơn. Vì vậy, để tránh khỏi những rủi ro khi đi qua vùng ngập nước bạn cần chú ý:
Kinh nghiệm lái xe ô tô qua vùng ngập nước
Nếu bắt buộc phải đi qua, trước hết phải xác định được mực nước (độ sâu) tại chỗ ngập. Theo tiêu chuẩn, độ sâu an toàn không vượt qua tâm (trục) bánh xe. Quan sát các xe khác đang đi qua chỗ ngập xem độ sâu có an toàn cho xe của mình không.
Nếu chắc chắn về độ sâu chỗ ngập, trước khi cho xe qua, nên tắt tất cả các phụ tải như điều hòa, hệ thống giải trí... Ngoài ra, cũng cần xác định vị trí các que thăm, lọc gió, các đường ống dẫn, bình ắc quy so với mực nước.
Khi đi qua chỗ ngập, về số thấp, giữ tốc độ vừa phải, ga hơi lớn. Không đi nhanh quá tránh tình trạng nước tràn qua ca-pô vào họng gió gây hự hại, không chậm quá tránh nước vào ống xả gây chết máy. Tuyệt đối, không dừng lại trong vùng ngập, nếu bắt buộc phải dừng lại thì về N, kép phanh tay, ga hơi lớn. Khi có thể tiếp tục lăn bánh nhanh tay vào số 1 và di chuyển qua vùng ngập.
Đối với những chiếc ôtô bị chết máy khi ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gẫy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (thủy kích).
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá mép cửa dưới thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển. Gọi ngay cho đội cứu hộ.
Trong khi chờ cứu hộ nên tắt khóa điện, nếu có thể tháo cọc âm ắc quy hoặc đẩy xe đến vị trí ít ngập hơn. Lúc này, có thể tự kiểm tra dầu động cơ, dầu hộp số, lọc gió động cơ xem có bị nước vào không.
Kinh nghiệm lái xe máy qua vùng ngập nước
Trường hợp xe bị ngập nước khi đang di chuyển, chỉ cần lau bu-gi, xả nước trong ống pô là có thể vận hành bình thường. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để đảm bảo an toàn, cần phải thay dầu động cơ ngay sau đó.
Với những chiếc xe ga, bên cạnh thay dầu cần kiểm tra bộ lọc khí. Do đặt thấp nên dễ bị ngấm nước dẫn đến khó nổ máy. Xe bị ngập hoàn toàn do bị nước cuốn hoặc ngâm lâu ngày trong nước thì điện là hệ thống đầu tiên cần phải kiểm tra, đặc biệt là những xe trang bị công nghệ phun xăng điện tử.
Những xe ngập chắc chắn phải thay dầu mới, kiểm tra chế hòa khí, xả hết xăng (cả bình xăng con), lau hoặc thay bugi nếu cần thiết. Thay lọc gió, với xe ga cần làm khô bộ truyền động. Cần chú ý tới bạc đạn ở hai bánh và nên tới các garage để tháo bạc đạn, làm khô và tra mỡ.
Hoài Thu