Những biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội sẽ bán cho đối tượng nào?
Theo thống kê, có 600 biệt thự cổ trên địa bàn Hà Nội sẽ được bán cho các hộ dân được phân nhà, hoặc đang thuê nhà, ở lâu năm trong chính biệt thự đó.
600 biệt thự đều có nhiều hộ gia đình ở
Về việc Hà Nội cho phép tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 600 biệt thự đều do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Cùng với đó, việc bán biệt thự không mới vì Hà Nội đã thực hiện từ năm 2009 đến nay. Tất cả danh mục biệt thự đều có trong danh sách do HĐND Thành phố phê duyệt.
"600 biệt thự đều là những biệt thự có nhiều hộ gia đình ở, được Cộng ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho thuê từ nhiều năm trước. Đa số các hộ đều đã mua nhà và được cấp sổ đỏ, chỉ còn lại 1-2 hộ theo kiểu "xôi đỗ" chưa mua. Cơ quan chức năng đang vận động họ mua nốt để thuận tiện cho công tác quản lý", đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Cho biết thêm về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ, hiện nay, biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, không kịp thời cập nhật về tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo… Do nhiều thành phần quản lý, sử dụng nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để kiểm định chất lượng, thực hiện bảo trì, cải tạo sửa chữa rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ kinh phí để sửa chữa, bảo trì biệt thự.
UBND TP.Hà Nội trước đó đã ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025".
Về tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thành phố cho biết sẽ dựa trên các nguồn vốn, gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định số 99/2015 của Chính phủ; Nghị định số 30/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 của Chính phủ.
Thứ hai, Thành phố sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự để xác định chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức Trung ương và Thành phố đang quản lý, sử dụng hoặc thuê làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, để xử lý.
Cụ thể, xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10-15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.
Biệt thự cũ có giá bao nhiêu?
Theo thông tin cho biết, Hà Nội có hơn 1.200 biệt thự cũ, được xây dựng chủ yếu trước năm 1954. Nhiều căn biệt thự mang dấu ấn kiến trúc Pháp, hoặc kết hợp kiến trúc phương Tây và Á Đông, chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.
Chính vì nằm ở các vị trí đắc địa, nên các căn biệt thự cũ này có giá trị rất cao, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, một căn biệt thự cũ tại phố Chân Cầm (quận Hoàn Kiếm), có diện tích khoảng 550 m2 đang được rao bán với giá 270 tỷ đồng. Tương tự, một căn biệt thự 3 tầng, có diện tích 750 m2 trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cũng được rao bán với giá 650 tỷ đồng.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội - ông Thế Anh, cho biết: Các căn biệt thự cũ mang kiến trúc Pháp thường có diện tích rất lớn, lại nằm tại vị trí được coi là “đất kim cương” của Hà Nội, nên giá trị rất cao.
Ông Thế Anh cho hay: “Các căn biệt thự cũ thường bao gồm khu nhà ở, xung quanh là vườn tựa, nên diện tích thường lên tới hàng trăm mét vuông, thậm chí có căn lên tới cả nghìn mét. Do đó, giá trị vài trăm tỷ là chuyện rất bình thường”,
Chính vì giá trị rất cao, nên tệp khách hàng tìm mua các căn biệt thự cũ này rất nhỏ. Đa phần, các “đại gia” mua biệt thự cũ về để kinh doanh các ngành dịch vụ, đa phần là kinh doanh nhà hàng hoặc khách sạn.
"Ngoài giá trị về đất, các căn biệt thự cũ còn có giá trị nghệ thuật rất cao. Nhiều khách hàng mua nếu đập bỏ thì tiếc, nhưng nếu mua để sử dụng thì phát sinh rất nhiều vấn đề, vì tổng thể các căn nhà này đã xuống cấp", ông Thế Anh nói
Ông Thế Anh cho rằng: “Dù sao, các căn biệt thự cũ tại Hà Nội cũng có tuổi đời 70 - 80 năm, thậm chí cả trăm năm cũng có nên không tránh khỏi xuống cấp. Điều đặc biệt, nhiều tòa nhà mang kiến trúc Pháp, muốn tu sửa đều phải có chuyên gia về kiến trúc tư vấn, không thể tùy tiện sửa được. Do đó, nhiều khách hàng khi mua biệt thự cũ cũng phân vân về việc giữ lại hoặc đập bỏ. Đây cũng là một yếu tố khiến dòng sản phẩm này kén người mua”.
Tuy nhiên, với ý kiến trái ngược với nhận định này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá rất cao việc Hà Nội công khai rao bán 600 căn biệt thự cũ do Nhà nước quản lý.
Ông Đính nhấn mạnh: “Nếu Hà Nội bán ra, chắc chắn sức thanh khoản sẽ rất tốt, vì sản phẩm này nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng”.
Các căn biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật rất cao, nhưng theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, nên việc quản lý cũng rất khó khăn.
Tại Hà Nội hiện nay, nhiều căn biệt thự quá cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng đã rơi vào tình cảnh bỏ hoang. Vì vậy, việc tư nhân hóa các tài sản này vừa là động lực để có thêm ngân sách nhà nước, vừa là một phương pháp bảo tồn các tòa nhà có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao.
Liệu có khả thi?
Báo cáo của UBND Hà Nội cho biết, trong số hơn 1.200 biệt thự cũ đang nằm rải rác trong Thành phố, có 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Có thể hiểu rằng, nếu Hà Nội dự tính bán 600 căn biệt thự cũ, sẽ có những căn thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân. Như vậy, quá trình đàm phán, thương lượng với các phủ nhà sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, với các biệt thự do Nhà nước quản lý, việc bán lại cho tư nhân sẽ suôn sẻ, giống như các giao dịch bất động sản thông thường. Với các căn biệt thự thuộc dạng sở hữu hỗn hợp sẽ có nhiều rắc rối phát sinh, đó là muốn bán phải có sự đồng thuận của toàn bộ chủ nhân đang sống trong tòa nhà đó.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, hiện nay, một căn biệt thự cũ có hàng chục hộ dân cùng sinh sống, mỗi gia đình có vài mét vuông sinh hoạt. Vì vậy, để nhận được sự đồng thuận của mỗi gia đình đều rất khó khăn.
Ông Đính cho rằng, các căn biệt thự phải có chính sách bán hàng đặc thù trong vấn đề giải phóng mặt bằng các căn biệt thự cũ có nhiều chủ đồng sở hữu. Có thể áp dụng quá trình giải phóng mặt bằng các căn biệt thự cũ giống như các tòa nhà tập thể cũ đã và đang triển khai.
Ông Đính nói: “Hà Nội phải có chính sách riêng trong việc đền bù cho các chủ nhà đồng sở hữu. Tuy nhiên, nhiều căn biệt thự cũ hiện nay, có hàng chục hộ gia đình sống, mỗi nhà có khi chỉ vài mét vuông sinh hoạt, nên việc đền bù rất phức tạp, nhất là việc tính thuế và đóng thuế. Nếu không có quy định cụ tể cho việc này thì nhiều việc khó khả thi lắm. Nhu cầu thì lớn nhưng thực trạng thì có nhiều vướng mắc, cần có quy định như kiểu ta cải tạo lại chung cư cũ”.
Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý; Quỹ nhà ở biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh… chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường;
Vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê, trả tiền một lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán (hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về quản lý quỹ nhà chuyên dùng, biệt thự) nên chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Bùi Hằng