Chủ nhật, 24/11/2024 13:36 (GMT+7)
Thứ hai, 03/05/2021 13:30 (GMT+7)

Những góc nhìn thú vị về Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Thông qua 98 bức ảnh của 34 người lao động di cư, những vấn đề về việc làm, con người, môi trường, giao thông, không gian công cộng ở Hà Nội được khai thác và diễn tả sinh động.

Những tác phẩm của họ được trưng bày nằm trong dự án Photovoice (Kể chuyện qua ảnh) do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống triển khai.

Chưa từng sử dụng điện thoại thông minh, những người lao động di cư đại diện cho các dân tộc đến Hà Nội từ 15 tỉnh, thành phố, trong đó có người dân tộc H’Mông, Thái, Mường, Sán Dìu... làm nhiều công việc khác nhau như thu gom phế liệu, nhân viên môi trường, công nhân xây dựng, người bán hàng rong…, đã tham gia vào dự án Photovoice để cảm nhận, trải nghiệm và chia sẻ về Hà Nội.

Những góc nhìn thú vị về Hà Nội - Ảnh 1
Bức ảnh Vẻ đẹp nơi công trường của chị Trương Thị Thủy.

Trong các công việc hằng ngày, trên những con đường họ đi, dưới con mắt của những người lao động di cư, Hà Nội không chỉ là những cao ốc hiện đại, không phải là nhịp sống sôi động, không phải các di tích văn hóa lịch sử. 98 bức ảnh được chụp từ điện thoại di động cùng 64 câu chuyện hồn nhiên theo cảm xúc, họ chia sẻ tình yêu giản dị với Hà Nội, đưa ra góc nhìn và tiếng nói của những người lao động di cư đã và đang đóng góp cho cuộc sống và sự phát triển của thành phố.

Nằm trong tuyến câu chuyện về những người lao động, bức ảnh mang tên Vẻ đẹp nơi công trường của chị Trương Thị Thủy chụp Vàng A Sào, chàng trai người dân tộc H’Mông tại nơi làm việc. Sinh năm 2002 trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho nên A Sào phải bỏ học xuống Hà Nội lao động kiếm tiền sớm. Là người dân tộc H’Mông duy nhất ở đây và cũng là người trẻ nhất trong tổ, nhưng mọi việc em đều làm được, từ lắp giàn giáo, căng lưới, che chắn.

Chia sẻ về bức ảnh của mình, chị Thủy tâm sự: “Tôi lên Hà Nội kiếm sống hơn 20 năm nay và đang làm công nhân tại công trường xây dựng ở Phú Thượng (Tây Hồ). Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số, cho nên có sự đồng cảm với A Sào. Do không thành thạo tiếng phổ thông, nhiều khi A Sào gặp khó khăn, hạn chế trong giao tiếp, vì vậy tôi lại càng chia sẻ, gắn bó, giúp đỡ em”. Ngoài yêu quý sự chân thật và chịu khó của A Sào, chị Thủy còn thương em vì A Sào chỉ bằng tuổi con của chị mà đã phải sớm bươn chải, lao động kiếm sống.

 Ở một bức ảnh khác có tên Tâm sự bên gánh hàng rong, chị Trần Thị An lại khắc họa nỗi niềm của những người cùng cảnh ngộ. Vốn là người bán hàng rong, nhân vật chị chụp là những người “cùng nghề” bán rổ, rá, quạt, chổi. Hằng ngày, các chị phải sắp xếp hàng hóa cẩn thận lên chiếc xe đạp rồi dắt xe đi qua các phố, vừa đi vừa cất tiếng rao để bán hàng.

Buổi trưa, họ nghỉ tạm ở một mái hiên nào đó, ăn bữa trưa đạm bạc để tiếp tục công việc. 20 năm bán hàng rong ở Hà Nội, chị An có nhiều khách quen, nhưng đôi lúc vẫn chạnh lòng vì tiếng gọi của những người xa lạ như “Trứng”, “Trứng ơi”… Trong khi đó, chị Mai Thị Nở lại chia sẻ câu chuyện và tâm tư của những người bán hàng rong cùng cảnh ngộ. Thường hẹn nhau ở dốc Bác Cổ vào buổi trưa sau khoảng thời gian cả sáng lang thang đạp xe bán hàng khắp các con phố, có những lúc đói, mệt, hàng hóa ế ẩm…, họ động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn bằng niềm vui vì có việc làm ở Hà Nội, chia sẻ về  những khách quen và người bán hàng như mình ở thành phố rộng lớn này.

Một tuyến chủ đề khác được khai thác nhiều chính là những không gian công cộng trên địa bàn Hà Nội. Đó có thể là một sân chơi, một góc hồ, vỉa hè, một góc chợ cóc… nơi những người lao động di cư hòa nhập, sinh sống, làm việc và tạo ra sự kết nối cộng đồng. Có thể thấy lấp lánh những khoảnh khắc thú vị như các tác phẩm của “nhiếp ảnh gia” Phạm Thị Hậu chụp những người phụ nữ đang luộc lạc, khoai, sắn ở tổ 16 (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm).

Đây từng là bãi đất hoang, đầy rác thải, nơi để thả rông chó mèo…, nhưng từ khi được cải tạo, không gian công cộng sạch sẽ hơn, có điện chiếu sáng và trở thành sân chơi của trẻ em, nơi người lớn tập thể dục, mọi người sinh hoạt cộng đồng. Không gian công cộng ở hồ Thiền Quang cũng là nơi người đánh giày, bán hàng rong dừng chân, nghỉ ngơi và là sân chơi cầu lông kết nối các thành viên trong gia đình mỗi khi chiều về…

Tuy không có bố cục hoàn chỉnh, nhưng những bức ảnh chụp bằng điện thoại thông minh được cho mượn đã mô tả chân thực cách những người lao động di cư nhìn Hà Nội. Kết nối và tương tác mỗi ngày với thành phố qua lao động, họ đã trở thành một phần của Thủ đô và công việc họ làm đang đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Dưới góc nhìn của Lý A Thành, một sinh viên chạy xe ôm công nghệ ngoài giờ, bôn ba khắp Hà Nội mỗi ngày, hình ảnh người lao động phổ thông ngồi trộn xi-măng và cát trên vỉa hè trong bức ảnh Vệt vôi trắng không làm cho Hà Nội nhếch nhác mà lại cảm nhận về một vẻ đẹp sinh động trong lao động.

Hay bức ảnh Người làm đẹp cho thành phố của chị Đỗ Thị Hồng kể câu chuyện về chị Nhung hơn 30 năm gắn bó với công việc thu gom đồng nát, phế liệu. Hằng ngày, chị Nhung dùng đôi bàn tay nứt nẻ để phân loại ni-lông cũ, bẩn, rồi giặt rửa, vò, phơi, gấp ngay ngắn để những mảnh ni-lông đã bị bỏ đi có thể tái chế, sử dụng. Dưới góc nhìn của chị Hồng, đây cũng là một công việc góp phần giảm rác thải cho thành phố, giúp cho môi trường xanh, sạch hơn…

Một Hà Nội đời thường qua những bức ảnh do những người lao động di cư chụp, tuy mộc mạc, giản dị nhưng mang đến cho người xem góc nhìn thú vị về Hà Nội. Dù còn gặp định kiến trong xã hội qua cách xưng hô, đối xử, dù gặp khó khăn trong việc kết nối xã hội và hòa nhập với thành phố, nhưng những vấn đề về môi trường, ý thức, văn hóa, giao thông… trong những bức ảnh cho thấy họ đang nhìn Hà Nội rất tích cực, gần gũi, chia sẻ và gắn bó, cũng là cách họ thể hiện mong muốn được thấu hiểu và tôn trọng hơn, đồng thời muốn làm cho Hà Nội tốt đẹp hơn bằng những việc làm ý nghĩa của mỗi ngày.

Ngọc Liên

Bạn đang đọc bài viết Những góc nhìn thú vị về Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới