Chủ nhật, 24/11/2024 11:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/02/2021 13:14 (GMT+7)

Những hy sinh không nói hết bằng lời

Theo dõi KTMT trên

Hơn một năm dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta cũng là từng đó thời gian đội ngũ y bác sĩ vào cuộc chiến khốc liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Sự hy sinh của các y bác sĩ trong cuộc chiến này không thể nói hết bằng lời.

Những hy sinh không nói hết bằng lời - Ảnh 1
Bác sĩ Thanh Xuân là thành viên trẻ nhất trong ekip điều trị cho BN91. (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM)

Tuần trăng mật trắc trở

Tròn một năm trước, vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020, cả nước đã bước vào ngày thứ 14 không có ca nhiễm mới, dịch COVID-19 tưởng chừng đã được kiểm soát khi cả 16 ca nhiễm đều khỏi bệnh và xuất viện trong đó có 3 ca bệnh ở TP.HCM.

Lúc này, hai bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Thành Được và Dư Lê Thanh Xuân, ở Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM háo hức với rất nhiều ý tưởng cho một đám cưới dự tính được tổ chức vào đầu tháng 4/2020. Hình cưới đã chụp, thậm chí đến một bài khiêu vũ lãng mạn đã được cô dâu và chú rể chuẩn bị rất công phu. Thế nhưng chỉ sau đúng một tuần, hai bác sĩ trẻ cũng như đội ngũ y bác sĩ trên cả nước bước vào trạng thái “sẵn sàng trực chiến” khi xuất hiện ca siêu lây nhiễm, bệnh nhân số 17.

“Khi đang háo hức chờ đợi đám cưới nhất thì cũng là lúc chúng tôi buộc phải ra quyết định hoãn đám cưới. Cảm giác mọi thứ ngưng lại đột ngột thật sự hụt hẫng”, Thành Được chia sẻ.

Và cũng chỉ một tuần tiếp theo, anh chị  được phân công vào nhóm y bác sĩ chống dịch. Những ngày sau đó tâm trí cả hai lại dồn cho công việc, không còn thời gian cho cảm xúc riêng tư. Riêng chị Xuân chính là bác sĩ trẻ nhất trong ê-kíp 33 người điều trị cho bệnh nhân 91, phi công Anh.

Trong khi đó, BS Thành Được sau mỗi ca trực anh lại chạy đi lo dàn xếp công việc để hoãn đám cưới. “Hai đứa dành những phút ngắn ngủi giao ca để an ủi nhau vượt qua giai đoạn này. Có ngày Xuân ra ca thì mình vào và ngược lại. Nhưng khi Xuân tham gia vào ekip điều trị cho BN91 thì những phút giây thoáng thấy nhau lại qua lớp kính ngăn cách, bởi ekip điều trị cho BN91 phải cách ly hoàn toàn”, BS Được nhớ lại.

Những hy sinh không nói hết bằng lời - Ảnh 2
Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được và Dư Lê Thanh Xuân.

Gần 4 tháng chiến đấu với dịch bệnh để dành lại sự sống cho bệnh nhân 91 cho đến khi bệnh nhân này hồi sinh kỳ diệu và trở về quê hương thì cả hai BS thở phào nhẹ nhõm với một đám cưới tổ chức vào tháng 7/2020 sau bao trắc trở.

Hạnh phúc riêng chưa kịp tận hưởng, chỉ hai ngày sau đám cưới của hai bác sĩ Thành Được và Thanh Xuân, thì làn sóng dịch thứ 2 ập đến với Đà Nẵng, anh chị lại nằm trong danh sách sẵn sàng lên đường để chi viện. “Lúc đó, tụi mình chưa kịp đi trăng mật, mọi thứ lại gác lại để chờ có lệnh là lên đường nếu dịch lan rộng”, bác sĩ Thành Được kể.

Xung kích đi vào vùng dịch

Một trong những thầy thuốc nhiều lần tham gia các đoàn chi viện cho vùng dịch là ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. BS Anh Thơ cũng chính là một trong các y bác sĩ tham gia tiếp nhận, điều trị cho hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 23/1/2020, đúng 29 tết Canh Tý, đó là cha con bệnh nhân người Trung Quốc.

“Thời điểm tiếp nhận hai ca bệnh đầu tiên nên mình chưa biết gì về virus Corona, có rất nhiều khó khăn, từ vấn đề nguy cơ lây nhiễm cho chính các y bác sĩ, những quyết định của mình có đúng hay không. Quy trình từng bước điều trị ra sao, phối hợp với các ban ngành và các bộ phận khác trong quá trình điều phối và chống dịch như thế nào?

Bên cạnh đó, vấn đề cách ly và giải thích cho bệnh nhân rất khó khăn do ngôn ngữ bất đồng, để giải thích cho họ hiểu được bác sĩ, hiểu được căn bệnh và họ an tâm hợp tác trong quá trình điều trị. Đó mới là những khó khăn ban đầu. Và còn những khó khăn khác chồng chất thêm khi có những bệnh nhân tuổi cao, tiền sử bản thân mắc nhiều chứng bệnh nan y, sức khỏe yếu, nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng…”, BS Anh Thơ chia sẻ về khó khăn.

Những hy sinh không nói hết bằng lời - Ảnh 3
Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Khi hỏi về 21 ngày xuyên Tết Canh Tý, các y bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã chiến đấu dành lại mạng sống cho hai bệnh nhân nhiễm virus Corona đầu tiên như thế nào, BS Anh Thơ không nói về bản thân trong thành tích này. Tuy vậy, trong những lá thư cảm ơn các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi trở về nước, hai cha con bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc đã nhắc đến BS Võ Ngọc Anh Thơ như là một ân nhân, vừa là bác sĩ điều trị vừa là bác sĩ tâm lý giúp họ chiến thắng bệnh tật.

Chỉ ít ngày sau khi các ca bệnh đầu tiên ở TP.HCM được điều trị thành công và xuất viện thì xuất hiện ổ dịch mới tại Bình Thuận. Và người chỉ huy đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện cho vùng dịch Bình Thuận không ai khác, chính là BS Anh Thơ. “Đến Bình Thuận lúc đó là một giờ sáng, tôi và các đồng nghiệp bắt tay ngay vào nhiệm vụ, phối hợp với các y bác sĩ địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tiến hành hội chẩn, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân”, BS Anh Thơ nhớ lại và cho biết sau khi tình hình dịch bệnh ở Bình Thuận đã được kiểm soát, chị và đồng nghiệp mới trở về TP.HCM.

Đến những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, BS Võ Ngọc Anh Thơ tiếp tục là thành viên đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho vùng dịch Gia Lai. Nữ bác sĩ cho hay xung phong hỗ trợ vùng dịch với tâm thế sẵn sàng “xuyên Tết”. Tại Gia Lai, BS Anh Thơ cùng với đội phản ứng nhanh đã có những ngày chạy đua với thời gian nhằm hỗ trợ các đồng nghiệp địa phương sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh trước Tết nguyên đán.

Chị phải trực tiếp hướng dẫn quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sắp xếp phân luồng cách ly, chuẩn bị phòng mổ cho bệnh nhân COVID-19, quản lý điều trị… Và tinh thần trách nhiệm của những thầy thuốc xông pha nơi tuyến đầu đã được đền đáp, Gia Lai cơ bản kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, và các y bác sĩ xung kích như Võ Ngọc Anh Thơ cũng kịp trở về nhà trước thời khắc giao thừa.

Nhưng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, vẫn còn có nhiều đồng nghiệp của BS Anh Thơ tiếp tục thêm một cái Tết xa người thân bởi họ đã chọn một nghề cao quý, hy sinh, cống hiến cho sức khỏe và tính mạng của đồng bào.

Hôm nay, những chiến sĩ khoác báo blouse có thể đã đón Ngày Thầy Thuốc Việt Nam một cách giản dị nhất, dù không có những lễ đài trang trọng, dù khó có những buổi gặp mặt ấm áp giữa các thế hệ mặc áo blouse nhưng trong mỗi y, bác sĩ vẫn là những trái tim rực lửa với nghề và nồng nàn với những người bệnh!

Băng Tâm

Bạn đang đọc bài viết Những hy sinh không nói hết bằng lời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới