Chủ nhật, 24/11/2024 02:28 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/06/2023 06:56 (GMT+7)

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5

Theo dõi KTMT trên

Sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường điểm lại một số phát ngôn ấn tượng.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 1
Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 2

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 6/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 3

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/6, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn ĐBQH TP. HCM) nêu thực trạng, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Qua thông tin nắm được từ công nhân lao động TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng lớn nhất vẫn là sự bất an của người lao động đối với sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.

Công nhân xem bảo hiểm xã hội là của để dành của cá nhân mình, nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 4

Trong phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam. Điều 60 của Luật Bảo hiểm 2014 có hiệu lực 2016 rất nhân văn, quy định 4 điều kiện để rút bảo hiểm một lần nhưng sau đó khi luật chưa có hiệu lực, chúng ta ban hành Nghị quyết 93 và cho rút bảo hiểm một lần, ai có nhu cầu thì rút.

"Tôi cũng đã mời trực tiếp chuyên gia được Liên Hợp quốc đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm sang “tính kế” cách nào khắc phục điều này. Chuyên gia này nói Việt Nam hào phóng quá, hòa phóng cả chuyện cho hưởng 75%. Đương nhiên bây giờ chữa là khó", Bộ trưởng chia sẻ.

Trong khi thông lệ quốc tế chỉ cho rút chủ yếu trong 2 trường hợp: Khi mắc bệnh nan y và đối tượng chuyển sang định cư ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, rút tự do, bằng quyền của công dân, không thể cấm được.

Quyền lợi khi rút rất cao, đóng có 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp. “Thực ra phải hiểu số đóng của Nhà nước và doanh nghiệp cũng là cho người lao động, nên dẫn đến nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn nên rút, sau đó một thời gian lại tham gia”.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 5

ĐB Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết: Số nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên là 2,79 triệu người, chiếm hơn 17% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; tổng số nợ lên đến hơn 14.000 tỷ đồng và có 213.000 người là nợ khó thu hồi.

Không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp hay rất nhiều trường hợp trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội. Vì tiền đó đã trừ vào lương của người lao động và hậu quả của nó là rất nghiêm trọng cho những người lao động. Tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để giải quyết, kể cả giải quyết trách nhiệm hình sự.

Đại biểu cũng đề nghị phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát. Dưới 1 tháng thì anh để, trên 3 tháng anh vẫn không làm gì, đến 6 tháng, đến 1 năm, đến 10 năm, có những trường hợp như của Haprosimex, từ 2011 tới nay nợ bảo hiểm xã hội của hơn 400 người mà vẫn không làm gì được. Tôi cho là chúng ta không thể bất lực như vậy. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay cũng không thể nào nói rằng bất lực, không xử lý được tình trạng này.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 6

Trả lời câu hỏi đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH  tỉnh Đồng Tháp) về thực trạng nhiều hộ “không muốn thoát nghèo”, chiều ngày 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận hiện tượng “không muốn thoát nghèo” là có thật và chỉ ra một số yếu tố liên quan thực tế này.

Dù theo tiêu chí người dân thoát nghèo nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn vì địa bàn họ sinh sống cũng rất khó khăn. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đã được đầu tư nhưng chất lượng nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nên người dân băn khoăn nếu thoát nghèo sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra còn nhiều vấn đề tâm tư khác cần đánh giá, khảo sát thêm.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 7

Chia sẻ cùng phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ngày 7/6 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sau khi Thủ tướng ban hành Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18 Bộ, ngành đã có 59 văn bản trả lời để giải đáp 261/339 thắc mắc, chiếm khoảng 70%.

“Việc triển khai các chương trình này đã ghi nhận 339 thắc mắc của anh em ở cơ sở vì không biết làm thế nào cho đúng”, Phó Thủ tướng nói và cho biết việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay ngày 7/6 Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 8

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sáng 7/6, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phản ánh tình trạng còn đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ”, khả năng ứng dụng thấp. Bộ trưởng có thấy lãng phí chất xám và ngân sách hay không?

Vướng mắc của việc đưa vào ứng dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chưa như kỳ vọng. Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào?” Nữ đại biểu chất vấn và đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu được đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội?

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 9

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng phải nói đó là một điều rất khó xác định.

Hoạt động khoa học công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới, cho nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Cho nên việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng phải nói đó là một điều rất khó xác định.

Điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó, trước hết là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, của đội ngũ nghiên cứu và đóng góp vào uy tín khoa học của các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 10

Trước chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội về đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước chỉ có hơn 2.000 đăng kiểm viên nhưng sau sự cố đăng kiểm đã mất tới gần 1/3. Đây là tình huống bất khả kháng, hiện đã tuyển dụng được thêm 350 đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 139 để cơ chế điều chỉnh lại không nhất thiết 1 dây chuyền phải có 3 đăng kiểm viên.

"Nguồn nhân lực phục vụ thời gian tới chắc chắn sẽ đủ. Chúng tôi cam kết hết tháng 6, không quá đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm sẽ bình thường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 11

Tranh luận về câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang và hiện trạng xuống cấp của cầu Cẩm Lý (Bắc Giang) chiều 7/6, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn  ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, hàng ngày hàng nghìn xe tải chở thanh long, sầu riêng và hoa quả khác đang ùn tắc tại địa phận cầu Như Nguyệt và Xương Giang, có trường hợp phải bán giải cứu.

Theo ông Hạ, nút thắt nằm ở chỗ chỉ có một chiều đi, một chiều về ở cùng một cây cầu; trong khi đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất để từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Hiện mới tháo gỡ được nút thắt này ở cầu Như Nguyệt, còn cầu Xương Giang "tắc vẫn hoàn tắc".

Về cầu Cẩm Lý, đại biểu nhấn mạnh đây là cây cầu được xây dựng từ thập niên 70; nối thông với Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh; đi chung cả đường bộ, đường sắt. Đây là trường hợp khẩn cấp cần tháo gỡ ngay.

"Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng, hiện Bắc Giang còn thiếu thủ tục nào, còn phải gặp đến những ai thì mới được đầu tư vào cây cầu đó? Bây giờ chính vì cứ nhờ vào bán vải, chờ bán vải nên mười mấy năm nay kêu gọi trước Quốc hội mà không làm được nổi. Tôi hy vọng nhờ bài phát biểu của Bộ trưởng hôm nay thì vải của Bắc Giang sẽ tốt hơn", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế: Trường Vũ

Bạn đang đọc bài viết Những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới