Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/02/2022 20:00 (GMT+7)

Những quyết sách đưa Thủ đô phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Cùng với các biện pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, nhiều chủ trương lớn của Thành ủy Hà Nội sẽ được triển khai mạnh mẽ ngay trong năm 2022.

Năm 2022, TP.Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chủ trương, đề án, dự án quan trọng đã được Thành ủy thông qua. Đây là các dự án có tính quyết định, đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn 2020-2025 và nhiều năm tiếp theo.

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Hà Nội đang tổ chức chức rà soát, đánh giá việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch này.

Nhìn lại 10 năm thực hiện, các đồ án quy hoạch được duyệt trong thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn; phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, trong quá trình triển khai tổng thể Quy hoạch thời gian tới, Thành phố sẽ nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong Vùng Thủ đô.

Theo đó, một số vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là: Hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô, trong đó, tiếp tục giảm dân số khu vực nội đô lịch sử; Dân số nội đô mở rộng không tăng thêm; Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía tây (thành phố mới Hòa Lạc)...

Những quyết sách đưa Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 1
TP.Hà Nội đang rà soát, đánh giá việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. (Ảnh: VGP/Gia Huy)

Trong định hướng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho biết Hà Nội sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô thị trung tâm trong chùm đô thị Thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô. Nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội tại khu vực huyện dự kiến lên quận trong giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - Thúc đẩy phát triển liên vùng

Sau một thời gian nghiên cứu đề xuất dự án, ngày 20/9/2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chủ trương triển khai dự án này là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn.

Việc sớm đầu tư Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ TP.Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ Thành phố.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lộ trình cụ thể

Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn Thành phố là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Những quyết sách đưa Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 2
Một chung cư cũ tại địa bàn phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Vì vậy, triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong năm 2022 là một trong những nhiệm vụ được TP.Hà Nội xác định mang tính định hướng dài hạn nhằm cải thiện nhu cầu ở cho người dân và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị phục vụ lợi ích công cộng, cộng đồng dân cư.

Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố đã đặt ra một số nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Cụ thể, có 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư (có nhà nguy hiểm cấp D) phải phá dỡ để xây dựng lại. Cụ thể tại quận Ba Đình có: KTT Giảng Võ (nhà C8); KTT Thành Công (nhà G6A); KTT Ngọc Khánh (nhà A); KTT Bộ Tư pháp có 2 đơn nguyên đầu hồi cấp D. 

Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ: Nhà nguy hiểm cấp D dự kiến thực hiện phá dỡ trong quý III/2023; Đối với các nhà còn lại thuộc khu chung cư tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (từ quý III/2023).

Phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội cũng đã xây dựng chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm; Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết chuyên đề về "phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 hướng đến 2030 và tầm nhìn 2045" chọn khâu quan trọng và phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như định hướng toàn quốc và thế mạnh của Hà Nội. Đó là xác định phát triển công nghiệp văn hoá song song với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Những quyết sách đưa Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 3
Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô sông song với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. (Ảnh: VG/Gia Huy)

Mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỉ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp với hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu.

Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế riêng có của Thủ đô như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ, thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh, xuất bản... phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cụ thể.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; Cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; Hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; Sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; Giữ vững và phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo"; Phấn đấu đóng góp từ 4-5% GRDP của Thành phố.

Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng

Thành ủy Hà Nội đang xây dựng 2 Chỉ thị quan trọng với Thủ đô trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn phát sinh nhiều vụ việc vi phạm; Nhiều dự án về đất đai chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước.

Vì vậy, cả 2 Chỉ thị đều có trọng tâm củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, kỷ luật công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thành phố sẽ phát huy tinh thần và quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2022.

Theo Báo Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Những quyết sách đưa Thủ đô phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới