Chủ nhật, 24/11/2024 10:09 (GMT+7)
Thứ hai, 20/11/2023 09:55 (GMT+7)

Những tài sản nào của Vạn Thịnh Phát bị công an thu hồi?

Theo dõi KTMT trên

Để khắc phục hậu quả vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã thu hồi nhiều nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu USD; kê biên 1.237 bất động sản, một lượng lớn cổ phần và tài sản khác.

Thu hồi hàng loạt tài sản

Theo điều tra của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không nắm giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là người có quyền lớn nhất, bởi từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại (<10%) do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Tuy nhiên, bà Lan đã bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng quản trị, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của ngân hàng này "đều cơ bản phục vụ hoạt động" của bà Lan.

Cơ quan chức năng cũng xác định, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD) của người dân và khách hàng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Những tài sản nào của Vạn Thịnh Phát bị công an thu hồi? - Ảnh 1
Vạn Thịnh phát bị thu hồi hàng loạt tài sản. 

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu theo dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan và người liên quan; tài khoản, tài sản đứng tên những bị can hoặc cá nhân được nhờ đứng tên để thu hồi, kê biên, phong tỏa nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở nhóm ngân hàng, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng cộng gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD. Trong đó có 14,5 triệu USD trước đó bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư.

Hồi tháng 10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, Việt đã liên hệ với người liên quan để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Lan. Cụ thể là hơn 116 tỷ đồng (khoảng 4,8 triệu USD) và 9,75 triệu USD. Về số tiền này, bà Lan đồng ý sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án.

Cảnh sát thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng, nhân viên dọn dẹp, vệ sinh căn hộ của bà Lan tại tòa nhà Sherwood ở quận 3, TP HCM. Số tiền này nằm trong hộp giấy chứa tài liệu của bị can Chu Duyệt Phần (con gái bà Lan).

Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.

Cơ quan chức năng cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở Ngân hàng SCB tại của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Kê biên tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; kê biên 857 triệu cổ phần SCB, hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô...

Đối với nhóm hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã thu tổng cộng hơn 25 tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD; sổ tiết kiệm, nhiều sổ đỏ và các đồ vật khác.

Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Cao Trí, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản (trị giá hơn 266 tỷ đồng). Gia đình bị can cũng tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tổng cộng 1.001 tỷ đồng.

Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát "khủng" cỡ nào?

Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát được thành lập từ năm 1992, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Sau này, công ty mở rộng thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.

Sau nhiều năm, "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát đã lớn mạnh với loạt công ty con, tiêu biểu như: CTCP Vạn Thịnh Phát, CTCP Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Time Square, Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula,...

Đây là nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản. Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2007), các doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn VIPD.

Đặc điểm chung của nhóm này là có vốn điều lệ đăng ký “siêu khủng”, đều trên dưới 10.000 tỷ đồng.

Vạn Thịnh Phát có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence.

Tại TP.HCM, bà Trương Mỹ Lan được mệnh danh là "bà trùm" của những dự án bất động sản "khủng" nằm tại nhiều vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn như Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square...

Bên cạnh đó, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza; nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm Quận 1, TP.HCM.

Trong một thời gian dài, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam. Tin tức về lãnh đạo doanh nghiệp này rất ít và gần như không tiếp xúc với truyền thông.

Thông tin về Vạn Thịnh Phát được biết đến nhiều hơn sau đám cưới giữa Trương Huệ Vân - doanh nhân thế hệ thứ tư của Trương gia tộc - với ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi hồi cuối năm 2013.

Trong năm 2022, Vạn Thịnh Phát được nhắc tên nhiều trên báo chí với vai trò có liên quan đến 2 công ty trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Cụ thể là CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với mức giá 4.000 tỷ đồng và CTCP Dream Republic mua lô 3-5 với giá 3.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai công ty này cũng "nối gót" Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm.

Nổi bật nhất trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là nhóm các định chế tài chính, gồm Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Ngân hàng SCB được xem là tổ chức chính cấp vốn cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Bà Trương Mỹ Lan thường xuyên nắm giữ 80-90% cổ phần Ngân hàng SCB qua việc nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần và có tiếng nói quyết định tại ngân hàng có quy mô tài sản lên tới hơn nửa triệu tỷ đồng này.

Bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rút tiền của SCB thông qua các doanh nghiệp bất động sản, nhà hàng, khách sạn; thông qua các công ty ma, dự án ma với các tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, tài sản bị nâng khống giá trị...

Bên cạnh đó, bà Trương Mỹ Lan còn có mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế”.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Những tài sản nào của Vạn Thịnh Phát bị công an thu hồi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới