Ninh Bình: Hiện thực hóa mục tiêu về đất và nước
Ninh Bình đặt mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Cùng với đó là thực hiện số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn; Tập trung hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh.
100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch
Hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn.
Theo đó, Ninh Bình đặt mục tiêu tổng thể là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận dịch vụ cấp nước sạch công bằng, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, 85% dân số được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý, 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Được biết, hiện nay, với khoảng 100 công trình cấp nước sạch nông thôn, cùng một số nhà máy sản xuất nước sạch đô thị tại Ninh Bình đang cấp nước cho khoảng 153 nghìn hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng (chiếm khoảng 63% tổng số hộ dân nông thôn).
Về vệ sinh hộ gia đình, ước tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 80% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số trường học, trạm y tế xã nông thôn có chương trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; Tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 55%.
Để tiếp tục phổ cập nước sạch cho người dân, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2030, 65% dân số được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến năm 2045, 100% người dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tổ chức thực hiện Chiến lược. Tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách tín dụng về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường…
Khẩn trương số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đề xuất một số giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền như: Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh để thực hiện đồng bộ việc lập, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch cho tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời sớm có hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, hồ sơ, biểu mẫu lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án khai thác bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước và khắc phục hậu quả do nước gây ra; bảo vệ thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản...
Trên cơ sở phân tích đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế về công tác quy hoạch, bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường cần chủ động, linh hoạt hơn trong công tác xây dựng kế hoạch sử dụng đất, công tác phối hợp để thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch theo đúng tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa việc công khai thông tin đầy đủ, lắng nghe ý kiến của người dân để thực hiện tốt công tác phản biện của nhân dân. Báo cáo đề xuất UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm, chỉ đạo bố trí kinh phí, điều kiện để ngành thực hiện số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh. Tập trung hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh theo đúng quy trình và thời gian đã đề ra.
Nguyễn Linh (T/h)