Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/03/2020 09:20 (GMT+7)

Nỗ lực bình ổn giá thịt lợn

Theo dõi KTMT trên

Chiều 20-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp bàn giải pháp bình ổn giá thịt lợn.

Nỗ lực bình ổn giá thịt lợn - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bất cứ giai đoạn nào của đất nước, đặc biệt là lúc khó khăn, nông nghiệp, nhất là chăn nuôi luôn đóng một vai trò lớn, là “bà đỡ” của nền kinh tế, nhờ đó góp phần quan trọng ổn định xã hội. Vừa qua, do cả khách quan và chủ quan, giá thịt lợn tăng một thời gian dài, làm cho đời sống nhân dân khó khăn hơn, góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn. Điều này cũng một phần do thịt lợn còn chiếm tỷ trọng cao trong khẩu phần ăn của người dân. Chúng ta chưa đưa thịt lợn vào diện quản lý, nhưng giá thịt lợn là giá thị trường có vai trò của quản lý của Nhà nước, trong đó có việc chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Có những nguyên nhân làm cho nguồn cung hạn chế như phục hồi đàn lợn chưa kịp vì ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi; cung nhỏ, cầu lớn, cộng với đầu cơ nên làm ảnh hưởng giá cả.

Trên tinh thần đó, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công thương, cơ quan điều hành giá kiên quyết đưa giá thịt lợn hơi xuống dưới 60 nghìn đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp. Vấn đề là giá thành lợn là bao nhiêu một kg cần phải được làm rõ để không thể thao túng giá. Ý kiến của một số nhà chăn nuôi lớn là hoàn toàn có thể giảm giá thịt lợn xuống được. Không có lý do gì để giá thịt lợn neo ở mức cao khi giá thành chỉ khoảng 35 nghìn đến 40 nghìn đồng. Vậy phương án nào để giảm giá thịt lợn xuống? Điều quan trọng nhất là tăng nguồn cung bằng cách đẩy mạnh là phục hồi đàn lợn hơn 32 triệu con của các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi lớn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, tập đoàn, hộ chăn nuôi về giá thuê đất, lãi vay ngân hàng, chỉ đạo của các cấp chính quyền... để tổng đàn phục hồi nhanh chóng như trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Tập trung khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ. Người nông dân và người mua thiệt hại lớn, trong khi khâu trung gian thì hưởng lợi, thanh tra phải tập trung khâu này.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là lợn nước ta nuôi vừa ngon, giải quyết việc làm, phải chiếm thị phần lớn. Bộ NN-PTNT, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng, phòng, chống dịch bệnh thời gian tới.

Chúng ta phải chiếm thị phần về thịt lợn chứ đừng để mất, nếu cố tình để giá thịt lợn cao thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn từ Nga, Mỹ… để giảm giá phục vụ người tiêu dùng trong nước, có thể trước mắt nhập khẩu 100 nghìn tấn. Chúng ta phải tạo nên làn sóng đấu tranh để giảm giá thịt lợn. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, các địa phương phải quán triệt tinh thần này.

Thay thế thực phẩm khác thay cho thịt lợn đang chiếm tỷ lệ quá cao nhu hiện nay bằng các loại thịt gà, cá, một số loại thịt trắng... Bộ NN-PTNT chỉ đạo đẩy nạnh chế biến với loại sản phẩm này. Cần xuất khẩu thịt lợn có kiểm soát. Bộ Tài chính trình các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn một cách thiết thực. Yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra giá thịt lợn để rút ra kết luận cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết giữ CPI năm nay và tăng cường quản lý để phát hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đời sống nhân dân, trong đó có giá lợn hơi.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, giá thịt lợn ở miền bắc giao động từ 82 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg, giảm 5 nghìn đồng so tuần đầu tháng 3. Giá tại miền trung và Tây Nguyên ổn định giao động từ 72 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg. Giá tại miền nam giao động từ 75 nghìn đến 81 nghìn đồng/kg, trong đó có tỉnh tăng, tỉnh giảm, giao động từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg.

Như vậy, hai tuần đầu của tháng 3, giá lợn hơi đã tăng trở lại trên phạm vi toàn quốc, sang tuần thứ 3, giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao so trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Thanh Giang

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực bình ổn giá thịt lợn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới