Chủ nhật, 24/11/2024 04:22 (GMT+7)
Thứ hai, 26/12/2022 06:55 (GMT+7)

Nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và ứng phó biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

EU sẽ thiết lập một quỹ xã hội vì hành động khí hậu nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất trong việc đối phó tác động từ thị trường mua bán tín chỉ phát thải.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt về cải cách thị trường carbon, góp phần hướng tới mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so mức ghi nhận năm 1990. Với tổng lượng khí thải đứng thứ 3 thế giới, EU đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội đồng châu Âu ngày 18/12 thông báo, các nước thành viên EU vừa đạt được thỏa thuận lịch sử về việc cải cách thị trường carbon, vốn được xem là công cụ chính sách chủ chốt của khối trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các nhà đàm phán nhất trí nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của các ngành trong Hệ thống Thương mại khí thải châu Âu lên 62% vào năm 2030. EU sẽ thiết lập một quỹ xã hội vì hành động khí hậu nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất trong việc đối phó tác động từ thị trường mua bán tín chỉ phát thải.

Nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1
EU đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Lần này, bước đi mạnh mẽ trong cải cách thị trường carbon của EU là việc các quốc gia thành viên nhất trí thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường của khối dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Mục đích của khoản thuế này là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại các quốc gia có các quy định về môi trường lỏng lẻo hơn. Dự kiến, các nước thành viên EU sẽ triển khai thí điểm CBAM từ tháng 10/2023.

Có thể thấy, ban đầu cơ chế đánh thuế carbon sẽ được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi-măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, vốn là những lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện hành tại EU. CBAM cũng sẽ được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có quy trình sản xuất gián tiếp phát thải carbon ra môi trường.

Nhằm đẩy nhanh công cuộc cải cách nhằm cắt giảm khí thải, EU yêu cầu khoảng 10.000 nhà máy điện và nhà máy công nghiệp mua giấy phép phát thải CO2. Một khi thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu được triển khai, EU cũng sẽ cắt giảm và đặt ra lộ trình chấm dứt các giấy phép phát thải CO2 miễn phí mà trước đó đã cấp cho các doanh nghiệp nội khối nhằm tăng sức cạnh tranh trước các công ty nước ngoài.

EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. EU đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua và đây là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu. Nghị sĩ châu Âu Mohammed Chahim (M.Cha-him) cũng khẳng định CBAM sẽ là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu, khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EP) Pascal Canfin (P.Can-phin) nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia đánh giá, việc đánh thuế carbon sẽ đối mặt không ít trở ngại, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn cao cùng xu hướng tăng của dân số toàn cầu và yêu cầu sử dụng năng lượng để phát triển. Việc đánh thuế carbon có thể gây ra những cản trở nhất định cho các hoạt động kinh tế, vì làm gia tăng chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do vậy, khi các nước triển khai áp thuế carbon nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phải đồng thời có những hỗ trợ, ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định để không cản trở phát triển.

Theo thỏa thuận cải cách thị trường carbon của EU vẫn cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thông qua. Bộ trưởng Môi trường Séc, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU, ông Marian Jurecka (M.Du-re-xca) nhấn mạnh: Thỏa thuận sẽ cho phép EU đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất.

Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỷ tới.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và ứng phó biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới