Chủ nhật, 24/11/2024 10:53 (GMT+7)
Thứ hai, 08/07/2019 16:00 (GMT+7)

Nỗi khổ ô nhiễm môi trường ở xã nông thôn mới

Theo dõi KTMT trên

Xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 4/2018. Nhưng hiện nay, hàng chục hộ dân ở thôn 2 và 3 vẫn sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay và người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng chậm được xử lý, ảnh hưởng lớn sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Nỗi khổ ô nhiễm môi trường ở xã nông thôn mới - Ảnh 1
Cán bộ xã Cư Êbur đi kiểm tra việc chấp hành công tác bảo đảm môi trường tại một trang trại chăn nuôi lợn ở thôn 3, xã Cư Êbur.

Từ phản ánh của người dân địa phương, chúng tôi đã tìm về xã Cư Êbur để tìm hiểu thực tế. Vừa đến khu vực giáp ranh giữa thôn 2 với thôn 3, xã Cư Êbur, mùi hôi nồng nặc bốc ra từ các trang trại, khu chăn nuôi lợn, gà... được xây dựng ngay trong khu dân cư xộc vào mũi rất khó chịu.

Ông Nguyễn Thế Hưng, một người dân ở khu vực này cho biết: "Tôi sinh sống ở địa phương này đã lâu nên biết rõ, trước đây chỉ có một số hộ dân làm nghề chăn nuôi lợn, gà, chuồng trại ngay trong vườn với số lượng ít cho nên không gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Những năm gần đây, nhiều người dân đầu tư vào chăn nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại với số lượng hàng trăm con lợn và hàng nghìn con gà mỗi trang trại. Mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi là tín hiệu đáng mừng, nhưng người dân chưa quan tâm việc xử lý chất thải, dẫn tới toàn bộ hệ thống nước thải, phân lợn, gà ở các chuồng trại chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân địa phương. Mỗi lần đi làm về, mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng gia đình đều phải đóng cửa kín mít để mùi hôi thối không bị xộc vào nhà. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo UBND xã, có biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn ô nhiễm nghiêm trọng".

Bà Hoàng Thị Thu Hương (ở thôn 3, xã Cư Êbur), có nhà ở đối diện trang trại chăn nuôi lợn của một hộ dân khác, nói: Ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi lợn này đã xảy ra nhiều năm và ngày càng thêm trầm trọng. Hằng ngày, nhiều lúc chúng tôi không chịu nổi, phải đeo khẩu trang khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Điều khiến tôi lo lắng hơn cả là trong gia đình tôi còn có cháu nội mới sinh hằng ngày phải hít mùi hôi thối nồng nặc này, sợ ảnh hưởng đến đường hô hấp.

Theo quan sát của chúng tôi, gần trang trại chăn nuôi lợn đối diện nhà bà Hương còn có một trường mầm non của thôn và Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh của xã Cư Êbur. Hiện nay các cháu đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng vào năm học, có hàng trăm cháu theo học ở đây. Tình trạng chăn nuôi lợn, gà gây ô nhiễm môi trường ở đây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng tập trung học tập của các cháu. Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, một số người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ các trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Cư ÊBur đã xảy ra nhiều năm. Nhưng do nể nang mà người dân đã phải chịu đựng từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, vào tháng 4/2018, khi xã Cư Êbur được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân liên tục phản ánh về tình trạng môi trường bị ô nhiễm, đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur H’Luanh Êban cho biết: Xã Cư Êbur hiện có hơn 4.600 hộ dân với hơn 18.000 nhân khẩu. Là xã vùng ven của TP Buôn Ma Thuột, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Xã Cư Êbur có 47 trang trại và gia trại chăn nuôi lợn, gà, trong đó 30 trang trại nằm trong khu dân cư, tập trung chủ yếu ở thôn 2 và thôn 3. Hầu hết các trang trại đều có quy mô chăn nuôi lớn từ vài nghìn con gà và hàng trăm con lợn. Chính quyền địa phương đã thành lập đoàn công tác thường xuyên đến kiểm tra và tuyên truyền, vận động những hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác bảo đảm môi trường, không để ảnh hưởng những hộ dân chung quanh. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại, gia trại vẫn chưa quan tâm đúng mức vấn đề xử lý nước thải mà vẫn xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ năm 2017 đến nay, UBND xã đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và xử phạt hành chính nhiều chủ trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu các chủ trang trại ký cam kết bảo đảm môi trường, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung 84 ha và khu giết mổ tập trung 32 ha để vận động các hộ dân vào đây chăn nuôi. Tuy nhiên, do xã không có kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, điện, nước cho nên các hộ vẫn chăn nuôi trong khu dân cư.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Nỗi khổ ô nhiễm môi trường ở xã nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới