Chủ nhật, 24/11/2024 08:51 (GMT+7)
Thứ tư, 23/10/2019 07:19 (GMT+7)

Nước đã an toàn - Khủng hoảng nước sạch sông Đà đã đến hồi kết?

Theo dõi KTMT trên

Theo UBND Hà Nội, chất lượng nước đã an toàn và sẽ cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10. Như vậy, khủng hoảng nước sạch sông Đà đã đến hồi kết?

Dù đó không phải là một chất độc chết người, nhưng nguồn nước cung cấp cho hàng vạn hộ dân Hà Nội quá dễ dàng bị nhiễm dầu bẩn, gây hoang mang và bức xúc vô cùng với cả xã hội. Vậy làm sao để bảo vệ an ninh nguồn nước và có cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong trường hợp cụ thể này là những hộ dân phải dùng nước bẩn?

Nước đã an toàn - Khủng hoảng nước sạch sông Đà đã đến hồi kết? - Ảnh 1
Theo UBND Hà Nội, chất lượng nước đã an toàn và sẽ cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10. Như vậy, khủng hoảng nước sạch sông Đà đã đến hồi kết?

5 khía cạnh trong vụ nước sạch sông Đà dưới mắt nhìn của luật sư

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, thuộc Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Viện IPS), cung cấp nước sạch là vấn đề của dịch vụ công. Ông Lập nêu 5 khía cạnh khác nhau trong cuộc khủng hoảng nước lần này. Trong đó, thứ nhất là dịch vụ công và thứ hai là sức khỏe nhân dân và đây là những câu chuyện rất dài.

Cung cấp nước là dịch vụ và người dân có hợp đồng mua bán được ký với bên phân phối nước, không phải ký trực tiếp với Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Nhưng liệu có cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi người dân, như kiện ra tòa và nếu kiện thì có những vướng mắc gì?

“Giới luật sư muốn làm thủ tục pháp lý vụ việc này, nhưng đang loay hoay không biết tiếp cận bằng cách nào. Bởi vì, sau khi khởi tố hình sự và đưa 3 nghi phạm đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà ra tòa thì vụ việc coi như xong”, ông Lập nhận định.

Theo chuyên gia Luật của Viện IPS, với người dân, muốn khởi kiện phải chứng minh có vi phạm. Vi phạm đầu tiên là trong hợp đồng nước, phải xem lại hợp đồng có bị vi phạm điều khoản nào? Nếu không có, phải xem trong Luật có vi phạm điều nào? Hai là có thiệt hai hay không? Thiệt hại chính là tiền mua nước thay thế hàng ngày, nhưng người dân phải chứng minh tại sao phải đi mua nước trong khi nước vẫn được cung cấp đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (theo như thông báo của Viwasupco).

“Việc nước có mùi khét có vi phạm hợp đồng? Mọi điểm này đều phải chứng minh hợp lý, nếu không sẽ bị bác khi ra tòa. Trong khi, nói đến góc độ về sức khỏe, câu chuyện còn rất dài, cần những bằng chứng xác thực để nói rằng những người bị nhiễm bệnh, bị ung thư là do nước…”, ông Lập nói.

Khía cạnh thứ 3 luật sư Lập nêu là vấn đề môi trường. Vụ việc đổ trộm dầu thải không xảy ra tại Hà Nội mà xảy ra ở khu vực thượng nguồn nước sông Đà trên Hòa Bình. Công an Hòa Bình đã bắt giữ 3 nghi phạm có hành vi đổ trộm dầu và khởi tố về vấn đề môi trường với vụ việc này.

Thứ 4, xét về góc độ quản trị đô thị của chính quyền Hà Nội, đó là vấn đề xử lý khủng hoảng. Tất cả các sự cố gây tác động tới hàng ngàn, hàng vạn người được coi là khủng hoảng thực sự. Nếu không giải quyết vấn đề quản trị công và xử lý khủng hoảng hiệu quả thì những sự cố như “Rạng Đông” và “Sông Đà” này sẽ còn lặp lại và người dân sẽ còn lãnh đủ. Như vậy gốc rễ vấn đề sẽ vẫn là quản trị công.

“Thứ 5, về vấn đề pháp luật, liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không? Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước”, vị luật sư cho hay.

Vụ kiện tập thể có khả thi?

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, trong khuôn khổ Luật Bảo vệ người tiêu dùng, không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là sản phẩm nào đó gây hại thì người tiêu dùng có thể kiện.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: “Luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến hàng triệu người tiêu dùng chứ không phải một cá nhân cụ thể. Vậy có làm được một vụ kiện tập thể như vậy không? Ai sẽ đứng ra?...”

Vị luật sư này cũng cho rằng, truyền thông cũng đã vào cuộc trong vụ khủng hoảng nước sạch sông Đà, song nó giống như đợt sóng cao trào rồi lặng dần: “Hết gió hết bão đâu lại vào đó để chờ một đợt sóng mới là một vụ “Rạng Đông” hay một vụ “Sông Đà” tiếp theo, chúng ta mới lại có sóng dư luận”.

Rõ ràng hàng triệu người dân không có sự lựa chọn nếu nguồn nước cung cấp cho khu vực đó gặp sự cố hay bị nhiễm độc.

Ông Lập cho rằng, qua sự việc này cần hoàn thiện quy chế và luật về bảo vệ quyền lợi tiêu dùng. Đây là lúc cần sức ép dư luận và người dân phải lên tiếng mạnh mẽ các nhà làm luật phải hành động: “Chính quyền phải có phương án bảo vệ nguồn nước, Nhà nước phải có biện pháp bảo vệ an ninh nguồn nước vì nó ảnh hưởng tới sinh mạng của cả triệu người”.

Bạn đang đọc bài viết Nước đã an toàn - Khủng hoảng nước sạch sông Đà đã đến hồi kết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới