Chủ nhật, 24/11/2024 06:29 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 14:18 (GMT+7)

Nước đóng vai trò chủ đạo cho phát triển

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu phát triển to lớn cả về kinh tế và xã hội. Tỷ lệ nghèo đói trên cả nước đã được giảm đáng kể. Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Đóng góp lớn cho các ngành kinh tế

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Theo đó, nước có vai trò chủ đạo trong những thành tựu đạt được về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su...

Nước đóng vai trò chủ đạo cho phát triển - Ảnh 1
Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người.

Đến nay, hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung và khoảng 300/635 thị trấn, thị tứ có dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt khoảng 5,4 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước của các đô thị. Hiện nay, với yêu cầu cấp nước cho khoảng 30 triệu người dân cùng với nhu cầu nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các đô thị, cần khoảng từ 8 đến 10 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, đến nay có khoảng 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%. Nguồn cấp nước cho sinh hoạt, vệ sinh của người dân ở nhiều đô thị và phần lớn khu vực nông thôn là từ nguồn nước dưới đất.

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận đóng góp quan trọng của nước trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trông thủy sản trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Tương tự, nước cũng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ thời gian qua.

Nước cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên. Dự báo tổng công suất thủy điện đến năm 2025 là 33.310MW, trong đó, trên 80% trong số này là từ các nhà máy thủy điện xây dựng trên các sông của Việt Nam.

Còn đó những rào cản

Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội và công cuộc giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà trái lại, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là ý chí chính trị và quyết tâm của Đảng và Nhà nước.

Tài nguyên nước đang phải đối mặt với những đe dọa cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển của đất nước kết hợp cùng biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức to lớn, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước. Theo nhiều tính toán, những thách thức này có thể làm tổn thất tới 6% GDP hằng năm.

Nước đóng vai trò chủ đạo cho phát triển - Ảnh 2
Nước góp phần nâng cao năng suất lúa.

Nghịch lý nguồn nước ở Việt Nam là quá nhiều về số lượng nhưng lại quá ít về chất lượng và quá bẩn. Nắng nóng, mưa nhiều và tập trung vào những tháng mùa mưa dẫn đến lũ lụt, gây nhiều tổn hại trước hết và nhiều nhất đối với người nghèo. Hạn hán, thiếu nước trở nên thường xuyên, đặc biệt ngày càng trầm trọng vào những tháng mùa khô. Mặt khác, tình trạng quá nhiều nước thải chưa được thu gom, xử lý đã làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm nước đang nổi lên và trở thành những mối đe dọa. Trong đó, nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.Tác động ô nhiễm nước đến sức khỏe con người được dự báo đến năm 2035 sẽ làm suy giảm đến 3,5% GDP hằng năm.

Cho đến nay, chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Đáng lưu ý, ở 587 cụm công nghiệp, chỉ có 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước mặt.

Nước đóng vai trò chủ đạo cho phát triển - Ảnh 3
Sử dụng nước hiệu quả để xoá đói giảm nghèo.

Cùng với ô nhiễm nước công nghiệp, vấn đề đáng quan ngại là ngành nông nghiệp đang đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và hóa chất dùng trong sản xuất. Trên 67,6 triệu tấn chất thải chăn nuôi được thải vào môi trường không qua xử lý là nguồn gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Ngoài ra, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suấtvới việc lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hại càng khiến tình trạng ô nhiễm nông nghiệp ngày một thêm nặng nề.

Theo Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Nước đóng vai trò chủ đạo cho phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới