Chủ nhật, 24/11/2024 11:09 (GMT+7)
Chủ nhật, 12/04/2020 06:30 (GMT+7)

Nước ngọt miễn phí đến với người dân vùng đại hạn

Theo dõi KTMT trên

Sau Bến Tre và Bạc Liêu, công trình cung cấp nước ngọt miễn phí phục vụ nhân dân chống hạn mặn cũng vừa về đến Cà Mau, cung cấp thêm những dòng nước mát quý báu cho người dân vùng hạn hán.

Nước ngọt miễn phí đến với người dân vùng đại hạn - Ảnh 1
Người dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) phấn khởi mang bình đến lấy nước về sử dụng giữa cao điểm hạn mặn.

Ngày 11/4, tại UBND xã Biển Bạc Đông (huyện Thới Bình, Cà Mau), công trình xử lý nước sinh hoạt đạt chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đã được bàn giao cho chính quyền địa phương để cung cấp nước miễn phí cho người dân trong vùng.

Đây là một trong 3 công trình cung cấp nước sạch miễn phí do Bộ TN&MT đầu tư xây dựng để chia sẻ khó khăn về thiếu nước sinh hoạt cho người dân khu vực ĐBSCL.

Công trình nước tập trung ở xã Biển Bạch Đông khai thác mạch nước ngầm ở độ sâu 123 m, sau đó dẫn qua bồn lắng cùng hệ thống cộc xử lý ngược, sau đó dẫn nước ra bồn chứa cung cấp nước sạch đạt chuẩn với công suất 400 đến 500 m3/ngày.

Cà Mau có ba bề giáp biển nhưng là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông, mà phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước trời vào mùa mưa ở kênh, rạch. Đây cũng lý do mỗi khi hạn hán khốc liệt, tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt của người dân lại tái diễn. Riêng mùa khô 2020 này, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.500 hộ dân “khát nước”.

Với công trình này, sẽ có thêm khoảng 500 hộ dân trên địa bàn xã Biển Bạch Đông có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt. Khi có thêm nguồn kinh phí, địa phương sẽ triển khai kéo dài hệ thống ống nhằm cung cấp nước sạch đến cho người dân sử dụng nhiều hơn.

Đây là điểm cung cấp nguồn nước ngọt miễn phí phục vụ nhân dân chống hạn mặn thứ ba (sau Bến Tre và Bạc Liêu) được Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai, xây dựng và bàn giao cho địa phương vùng ĐBSCL.

Nước ngọt miễn phí đến với người dân vùng đại hạn - Ảnh 2
Một trong những người dân đầu tiên của xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) được đón nhận nguồn nước miễn phí.

Trước đó, vào sáng ngày 9/4 công trình cung cấp nước ngọt miễn phí có công suất 400m3/ngày đã được bàn giao cho chính quyền xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu để giải quyết nhu cầu cấp nước ăn uống sinh hoạt cho người dân trong vùng.

Ngày 6/4, một công trình cấp nước ngọt miễn phí với lưu lượng 300m3/ngày cũng đã được lắp đặt tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để hỗ trợ khẩn cấp giải quyết nhu cầu cấp nước ăn uống sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn cho xã An Khánh và một số xã lân cận thuộc huyện Châu Thành.

Nước ngọt miễn phí đến với người dân vùng đại hạn - Ảnh 3
Người dân xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đến nhận nguồn nước ngọt miễn phí.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL, trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Tính đến nay, 5 tỉnh trong vùng gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Để kịp thời hỗ trợ đồng bào giảm bớt khó khăn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 504/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng ĐBSCL (gồm Bến Tre 70 tỉ đồng, Long An 70 tỉ đồng, Tiền Giang 70 tỉ đồng, Cà Mau 70 tỉ đồng, Kiên Giang 70 tỉ đồng, Sóc Trăng 60 tỉ đồng, Trà Vinh 60 tỉ đồng, Bạc Liêu 60 tỉ đồng) để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Các địa phương có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hỗ trợ nêu trên, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Nước ngọt miễn phí đến với người dân vùng đại hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới