Chủ nhật, 24/11/2024 07:29 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 14:00 (GMT+7)

Nước sạch gắn với bài toán phát triển bền vững ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng, gia tăng các thảm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán. Nước cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng.

Nước sạch và vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững, và phạm vi các dịch vụ mà những yếu tố này cung cấp là cơ sở cho việc giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, việc khai thác quá mức nguồn nước, ô nhiễm nước và biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngày nay, vẫn còn khoảng hơn 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước uống được quản lý an toàn và hơn 4,2 tỷ người thiếu các điều kiện vệ sinh được đảm bảo. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng, gia tăng các thảm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán. 80% nước thải trên thế giới thải ra môi trường mà không được xử lý hoặc tái sử dụng, và 70% diện tích đất ngập nước tự nhiên của thế giới đã bị mất, bao gồm cả sự mất mát đáng kể của các loài sinh vật nước ngọt.

Nước sạch gắn với bài toán phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1
Hơn 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước uống. (Ảnh minh họa)

Đại dịch Covid-19 đặt ra một trở ngại ngoài lề, đó là làm gây cản trở khả năng tiếp cận của hàng tỷ người đối với các dịch vụ nước uống và các dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn - các dịch vụ rất cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.

Hơn bao giờ hết, thế giới cần phải thay đổi cách quản lý tài nguyên nước và cung cấp các dịch vụ về nước và điều kiện vệ sinh cho hàng tỷ người. Theo đó, cần có những hành động khẩn cấp để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này, vì nó đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới về mặt xã hội, kinh tế và môi trường.

Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030” (SDG6)  đã được các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua tại Hội nghị cấp cao năm 2015, trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Mục tiêu này cung cấp kế hoạch chi tiết để đảm bảo tính sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.

Nước sạch gắn với bài toán phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 2
Nước là yếu tố không thể thiếu để phát triển nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn cầu; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mekong và Danube...

Trong nông nghiệp, nước có vai trò chủ đạo trong những thành tựu đạt được về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su... 

Nước cũng đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng. Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây nguyên. Năm 2010, thuỷ điện đã đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn quốc. Dự báo tổng công suất thủy điện đến năm 2025 là 33.310MW, trong đó trên 80% trong số này là từ các nhà máy thuỷ điện xây dựng trên các sông của Việt Nam. 

Đến nay hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung và khoảng 300/635 thị trấn, thị tứ có dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt khoảng 5,4 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước của các đô thị.

Hiện nay, với yêu cầu cấp nước cho khoảng 30 triệu người dân cùng với nhu cầu nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các đô thị thì cần khoảng từ 8 đến 10 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, đến nay có khoảng 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì tỷ lệ này chỉ đạt đạt khoảng 30%. Nguồn cấp nước cho sinh hoạt, vệ sinh của người dân ở nhiều đô thị và phần lớn khu vực nông thôn là từ nguồn nước dưới đất.

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của nước trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trông thủy sản trong những năm gần đây khi với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Tương tự, nước cũng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong thời gian qua.

Ở Việt Nam, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Theo đó, đã đặt ra yêu cầu phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác - một phương thức quản lý tài nguyên nước đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới và ngày càng chứng tỏ là một phương thức quản lý hiệu quả đang được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nước sạch gắn với bài toán phát triển bền vững ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới