Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/08/2020 07:00 (GMT+7)

Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng

Theo dõi KTMT trên

Theo các nhà khoa học, năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn khí CO2 và các loại khí nhà kính khác. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng gia tăng.

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sự sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm. Với lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt…. con người đã sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo về đêm và hậu quả là chúng ta đang bị ô nhiễm ánh sáng nặng nề.

Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng - Ảnh 1
Cùng với ô nhiễm khói bụi, khí thải, ô nhiễm tiếng ồn, các đô thị hiện nay còn đang đối mặt với ô tình trạng ô nhiễm ánh sáng. (Ảnh minh họa)

Rõ ràng, việc sử dụng ánh sáng nhân tạo ban đêm đã làm giảm tầm nhìn của chúng ta về vũ trụ. Giờ đây, người thành phố khó có thể nhìn thấy những vì sao lấp lánh trong dải Ngân hà trên bầu trời đêm hè như trước. Hơn nữa việc sử dụng ánh sáng nhân tạo ban đêm còn có những ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, an toàn năng lượng và sức khỏe con người.

Lãng phí năng lượng, gây ra sự nóng lên của Trái đất

Tại các đô thị, có nhiều nguồn chiếu sáng khác nhau như: đèn đường giao thông, biển quảng cáo của các cửa hàng, biển quảng cáo tấm lớn, đèn trang trí, đèn của các phương tiện tham gia giao thông…

Những nguồn sáng này được sử dụng với mức độ cao quá mức cần thiết, góp phần trực tiếp dẫn tới tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến tại các đô thị và để lại tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

Việc chiếu sáng chiếm đến 1/4 năng lượng tiêu dùng của cả thế giới. Các nghiên các nghiên cứu cũng chỉ ra là thông thường có đến 50% đến 90% ánh sáng ở các toà nhà là không cần thiết. Trong khi hiện tại nhiều nước đang ra sức tìm các biện pháp để giảm thiểu sử dụng năng lượng sau khi ký Nghị định thư Kyoto, thì việc tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng ánh sáng là một biện pháp đem lại kết quả cao trong thời gian nhanh chóng.

Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng - Ảnh 2
Ô nhiễm ánh sáng là một trong những nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên. (Ảnh minh họa)

Còn theo số liệu ước tính của Tổ chức Bảo vệ bầu trời đêm quốc tế, chỉ riêng đối với Mỹ đã có đến 38% năng lượng chiếu sáng ngoài trời lãng phí, dẫn đến hàng năm tiêu tốn 2 triệu thùng dầu (1 thùng = 150 lít), gây lãng phí 1,5 tỉ USD/năm và đặc biệt đóng góp lượng khí CO2 khoảng 300 triệu tấn/năm, một tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.

Đáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm ánh sáng đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị, nhưng các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khuyến cáo, chứ chưa có chế tài cho vi phạm...

Con người và hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu y học cho thấy ô nhiễm ánh sáng có nhiều tác hại sức khỏe con người bao gồm: đau đầu, mệt mỏi, stress, lo âu, trầm cảm...

Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng - Ảnh 3
Ánh sáng xanh từ máy tính, điện thoại thông minh rất nguy hiểm đối với thị lực của con người. (Ảnh minh họa)

Tháng 6/2009, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ AMA đã xây dựng chính sách hỗ trợ kiểm soát ô nhiễm ánh sáng. AMA nhấn mạnh, ánh sáng chói (glare) là một nguy cơ sức khỏe cộng đồng, có thể gây lái xe không an toàn. Đặc biệt ở người cao tuổi, ánh sáng chói gây mất độ tương phản, che khuất ban đêm.

Thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn thói quen sinh hoạt của các sinh vật. Các nghiên cứu cho thấy một số ví dụ cụ thể về hậu quả gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng như: ánh sáng đêm làm giảm khả năng nhìn đường của bướm đêm và các côn trùng hoạt động về đêm khác.

Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng - Ảnh 4
Ánh sáng đèn đường có thể làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp. (Ảnh minh họa)

Các loài hoa nở về đêm, dựa vào các loài này để thụ phấn, cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư có thể bị mất phương hướng bởi ánh sáng của các toà nhà cao chọc trời. Hoặc là các loài ếch và kỳ nhông hoạt động về đêm cũng bị ảnh hưởng. Thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn tình và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm...

Ở Việt Nam, năm 2010, hàng trăm hecta lúa nàng thơm dọc theo trục đường cao tốc Hồ Chí Minh-Trung Lương đã bị “điếc”, không trổ bông là minh chứng rõ ràng tình trạng ô nhiễm ánh sáng từ dàn đèn cao áp lên thực vật.

Làm gì để hạn chế ô nhiễm ánh sáng?

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, ô nhiễm ánh sáng có thể cải tạo, đảo ngược lại dễ dàng bằng những động thái cá nhân đơn giản: Chỉ sử dụng ánh sáng vào thời gian và không gian cần thiết; Không sử dụng ánh sáng quá mức; Hạn chế ánh sáng xanh (blue light); Bảo vệ, sử dụng đúng ánh sáng trời; Sử dụng màn che tránh ánh sáng bên trong lọt ra ngoài; Đo lường mức độ ô nhiễm ánh sáng để chuẩn hóa thiết bị, đồ dùng…

Các biện pháp có thể áp dụng như: Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu; Tắt đèn khi không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ; Cải tiến dụng cụ chiếu sáng phù hợp, có thể tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết; Lắp đặt các loại đèn sao cho bước sóng ánh sáng ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng; Đánh giá lại các hệ thống chiếu sáng hiện có, thiết kế lại nếu cần.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm ánh sáng khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới