Chủ nhật, 24/11/2024 05:51 (GMT+7)
Thứ hai, 19/09/2022 17:50 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội dưới góc nhìn kinh tế môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Công Thành - Trưởng Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội.

“Đến hẹn lại lên”

Trong các năm gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội thường được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Các nhà khoa học cũng tìm ra quy luật ô nhiễm không khí theo mùa tại Hà Nội: vào mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) thì mức độ ô nhiễm dạng hạt cao hơn nhiều so với mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9).

Ở Hà Nội, theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Môi trường vào tháng 4/2022, thì trong giai đoạn 2016 – 2021, các đợt ô nhiễm không khí nặng chủ yếu xảy ra vào mùa đông, với khoảng 10 - 17 đợt. Mỗi đợt ô nhiễm không khí nặng này kéo dài từ 1 - 6 ngày và nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình giao động từ 61 - 115 μg/m3.

Thực hiện ước tính nhanh với trung bình 14 đợt ô nhiễm không khí nặng trong 7 tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), mỗi tháng người dân Hà Nội phải gánh chịu 2 đợt ô nhiễm không khí nặng.

Trong kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh giai đoạn 2 (2018-2020) có một điểm rất đáng chú ý là họ nhấn mạnh việc cần “kiểm soát ô nhiễm vào mùa thu và mùa đông, và tăng cường ứng phó với đợt ô nhiễm không khí nặng”. Điều này phần nào cho thấy những đợt ô nhiễm không khí nặng thường gây ra hậu quả nặng nề về mặt sức khỏe và kinh tế. Tại Hà Nội, mùa đông năm nay sắp đến và mối lo ô nhiễm không khí đang quay trở lại.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội dưới góc nhìn kinh tế môi trường - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Bụi mịn PM2.5 có khả năng đi sâu vào hệ thống hô hấp và hệ thống tuần hoàn, nên có thể gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan tới hô hấp và tim mạch, dẫn đến khả năng tử vong sớm.

“Báo cáo Tác động Ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” được công bố 7/2021 đã ước tính nếu nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội được kiểm soát ở mức 10 μg/m3 (mức khuyến nghị của WHO) thì số ca tử vong sớm tránh được là 4.222 ca trong 1 năm.

Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố mức giới hạn khuyến nghị mới về nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Cụ thể là, nồng độ khuyến nghị đối với bụi mịn PM2.5 là 5 μg/m3, giảm so mức khuyến nghị trước đây là 10 μg/m3. Dựa trên kết quả phân tích hơn 500 bài báo khoa học, WHO đã kết luận rằng mức giới hạn khuyến nghị mới chặt chẽ hơn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người. Như vậy với mức giới hạn khuyển nghị mới của WHO, thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của các đợt ô nhiễm không khí nặng trong mùa đông tại Hà Nội là đáng lo ngại hơn rất nhiều.

Tình hình đáng lo ngại về thiệt hại sinh mạng do ô nhiễm không khí đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn trong việc đầu tư thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Từ góc độ phân tích kinh tế, câu hỏi được đặt ra là “liệu giá trị thiệt hại sinh mạng tránh được có đủ lớn để tạo động lực đầu tư chi phí cho giảm thiểu ô nhiễm”.

Bài toán kinh tế môi trường

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân đã thực hiện nghiên cứu khảo sát với 1028 hộ gia đình sinh sống tại Hà Nội về mức sẵn lòng chi trả nhằm giảm rủi ro tử vong sớm do ô nhiễm không khí.

Theo TS. Nguyễn Công Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát được công bố năm 2021 trên tạp chí quốc tế Economic Analysis and Policy cho thấy giá trị sinh mạng của một ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí được ước tính trong khoảng từ 164 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng.

Nhằm tránh việc đánh giá thấp giá trị thiệt hại sinh mạng con người và hướng tới ưu tiên bảo vệ sức khỏe con người, mức ước tính giá trị 1 ca tử vong là 1,5 tỉ đồng được khuyến nghị áp dụng. Nếu số ca tử vong sớm tránh được là 4.222 ca trong 1 năm, khi kiểm soát nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội ở mức 10 μg/m3, thì chi phí thiệt hại sinh mạng tránh được có thể lên đến 6,3 nghìn tỉ đồng trong 1 năm.

Nếu so sánh với tổng chi phí bình quân 1 năm là 3,4 nghìn tỉ đồng để thực hiện Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, thì giá trị thiệt hại sinh mạng tránh được 6,3 nghìn tỉ đồng/năm là không hề nhỏ. Đây là động lực kinh tế và cũng là mong muốn của người dân về việc thực hiện các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội.

TS. Nguyễn Công Thành

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở Hà Nội dưới góc nhìn kinh tế môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới