Chủ nhật, 24/11/2024 09:46 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 16:00 (GMT+7)

Omicron dễ hay khó lây nhiễm?

Theo dõi KTMT trên

Do biến thể Covid-19 Omicron “dễ lây truyền hơn nhiều” nên cần dùng đến khẩu trang có tác dụng lọc cao. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua khẩu trang vải có chất lượng tốt, có từ 2 đến 3 lớp, không đeo khẩu trang có van thở.

Omicron được ngăn chặn bởi khẩu trang vải?

Giáo sư Lam Yeng Ming, chủ nhiệm Khoa Khoa học & Kỹ thuật Vật liệu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết khẩu trang vải mang lại mức độ bảo vệ nhất định chống lại Omicron, trong đó càng nhiều lớp vải càng bảo vệ tốt ngoài ra cũng cần phải đeo đúng cách để che phủ được khuôn mặt.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, do biến thể COVID-19 Omicron “dễ lây truyền hơn nhiều” nên có thể sẽ cần dùng đến khẩu trang có tác dụng lọc cao, chẳng hạn như N95 hoặc KN95.

Omicron dễ hay khó lây nhiễm? - Ảnh 1
Singapore cho biết khẩu trang vải mang lại mức độ bảo vệ nhất định chống lại Omicron. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua khẩu trang vải có chất lượng tốt, có từ 2 đến 3 lớp, không đeo khẩu trang có van thở. Giáo sư Lam cũng đề nghị mọi người tìm kiếm các loại khẩu trang có chứng nhận PFE (Hiệu quả lọc hạt) và BFE (Hiệu quả lọc vi khuẩn).

Khẩu trang kháng khuẩn có lớp giữa lọc N95 có hiệu quả lọc hạt PFE hơn 95% và kéo dài trong khoảng 30 tuần nếu được vệ sinh hàng tuần.

Trong một hướng dẫn về khẩu trang trên trang web, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore cho biết, nói chung vật liệu khẩu trang phải là loại không nhìn xuyên thấu được khi để dưới ánh sáng. Họ khuyến cáo những người sử dụng khẩu trang tái sử dụng nên tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất về cách giặt và thay thế khi đã sử dụng quá số lần quy định.

Các nhà khoa học kêu gọi công chúng sử dụng loại khẩu trang tốt hơn, cân nhắc sử dụng khẩu trang N95 và các loại tương đương vì cho rằng biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm tốt hơn rất nhiều so với biến thể Delta.
Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho thấy biến thể Omicron có khả năng nhân bản trong đường hô hấp của con người nhanh hơn 70 lần so với Delta, khiến nó lây lan nhanh hơn giữa người với người.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học California cũng cho thấy các hạt khí dung chứa virus Omicron trôi nổi trong không khí có thể tồn tại lâu hơn Delta, có nghĩa là nguy cơ lây truyền trong không khí cao hơn.

Trích dẫn một ca nhiễm Omicron điển hình đáng báo động tại một khách sạn cách ly ở Hong Kong (Trung Quốc), một người ở phòng đối diện hàng lang với bệnh nhân nhiễm Omicron cũng bị lây nhiễm mặc dù không hề tiếp xúc.

Linsey Marr, một nhà khoa học khí dung tại Virginia Tech cũng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, đã cảnh báo về sự lây lan của COVID-19 qua khí dung ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Cô ủng hộ việc đeo khẩu trang N95 vì chúng có tác dụng che kín và ngăn chặn virus tốt hơn.

Vì sao nhiều người vẫn âm tính dù tiếp xúc rất gần F0?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM đã nói về tình huống phơi nhiễm do nhiều nguyên nhân. Tình huống cụ thể là với nhiều nhân viên làm việc trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến nhưng vẫn không bị mắc bệnh.

Omicron dễ hay khó lây nhiễm? - Ảnh 2
Nhiều người vẫn âm tính dù tiếp xúc rất gần F0. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân là họ thực hiện 5K và phòng hộ cá nhân tốt. Ngoài ra, một số trường hợp cũng bị phơi nhiễm nhẹ khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc phơi nhiễm nhẹ trong thời gian dài cũng làm miễn dịch ngày càng tăng.

"5K không giúp chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn, giả sử bị lây nhưng lượng virus yếu, kháng thể vẫn tấn công được chúng, từ đó giúp miễn dịch lâu dài.

Nếu không 5K, lượng virus xâm nhập càng nhiều, người bệnh có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, tăng khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, tôi không ủng hộ việc cố tình để lây nhiễm tự nhiên", PGS Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng không có gì ngạc nhiên khi bạn không mắc bệnh dù môi trường xung quanh có nhiều nguy cơ.

Theo ông, nguyên nhân là hiệu quả của vaccine và tuân thủ tốt 5K. Việc lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ (gần hay xa), thời gian, không gian tiếp xúc (thông thoáng hay phòng kín), người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không.

"Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vaccine và 5K tốt, như vậy cần tiếp tục phát huy để bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý chán nản hay chờ đến lượt mình mắc bệnh", PGS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Omicron dễ hay khó lây nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới