Ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm Chủ tịch NamABank, ai thay thế?
NamABank cho biết, ông Nguyễn Quốc Toàn đã uỷ quyền điều hành và sẽ từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Nam A Bank để tập trung xử lý tranh chấp nội bộ gia đình, tránh ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
Ngày 20/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại NamABank căn cứ đơn tố giác của ông Nguyễn Chấn, chồng của cố doanh nhân Tư Hường và một số cá nhân liên quan đã tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) có hành vi chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu.
Khối tài sản của vợ chồng ông Nguyễn Chấn bao gồm cổ phần, cổ phiếu vốn góp tại NamABank và các doanh nghiệp tại Tập đoàn Hoàn Cầu, mà theo ông này công bố là khoảng 30.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Toàn sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp tài sản tại NamABank và Tập đoàn Hoàn Cầu |
Sáng 22/6, NamAbank đã thông báo trên website về sự thay đổi nhân sự chủ chốt, theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho một Phó Chủ tịch thường trực chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế và sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của NamAbank cũng như quyền lợi của khách hàng.
Được biết, ông Nguyễn Quốc Mỹ, con trai của ông Nguyễn Chấn và anh trai ông Toàn hiện là Phó chủ tịch HĐQT thường trực của NamAbank từ năm 2011. Đến nay, HĐQT ngân hàng vẫn chưa có thông báo chính thức về việc ông Mỹ sẽ đảm nhận thay thế vị trí của ông Toàn trong HĐQT.
Ngoài ra, ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Phan Đình Tân là Phó Chủ tịch HĐQT NamABank vẫn đảm nhận công việc của HĐQT ngân hàng.
Ngân hàng cũng cập nhật kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 426 tỉ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2019. Tổng tài sản đạt gần 80 nghìn tỉ đồng, hoàn thành 93% hế hoạch năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 64 nghìn tỉ đồng, hoàn thành gần 90% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay đạt hơn 55 nghìn tỉ đồng, đạt 92% kế hoạch năm và nợ xấu ở mức 1,85% dư nợ.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2019, năm nay NamABank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 15%, lên mức 86.000 tỉ đồng. Huy động vốn tăng trưởng 27%, cho vay tăng 18% lên mức 60.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 800 tỉ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên 2019 cũng thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng so với mức vốn hiện tại chỉ hơn 3.354 tỉ đồng. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 53,65 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông và chào bán 110,99 triệu cổ phần (gồm chào báo cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ và bán ưu đãi cho người lao động). Chủ trương tăng vốn này đã được đề xuất từ lâu song nhiều năm qua NamABank vẫn chưa thực hiện được.
Cùng với việc tăng vốn điều lệ, NamABank đã được đại hội thông qua kế hoạch niêm yết lên sàn HOSE, bỏ qua việc giao dịch trên UPCoM.
Mặc dù NamABank đang phải chạy đua để sớm tăng vốn và niêm yết cổ phiếu, song ngân hàng này liên tục vướng lùm xùm tranh chấp quyền lực giữa các cổ đông nội bộ trong gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn – chủ tịch HĐQT NamABank và bố đẻ Nguyễn Chấn cùng một số cá nhân liên quan khác.
Bên cạnh đó, từ khi ông Toàn nắm quyền, NamABank trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi nhóm lãnh đạo ngân hàng này bất ngờ từ nhiệm, để tham gia vào Eximbank và nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong HĐQT. Cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm cổ đông Eximbank cũng gay cấn không kém khi vị trí Chủ tịch HĐQT liên tục bị miễn nhiệm, bổ nhiệm trong thời gian chớp nhoáng và đơn tố cáo, phản bác lẫn nhau về tính hợp pháp của việc thay đổi nhân sự này, khiến cho nội bộ Eximbank càng rối loạn.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là tổng giám đốc Nam A Bank đã được bầu vào HĐQT Eximbank và sau đó được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc đã gửi đơn tố cáo lên toà án về quyết định miễn nhiệm ông và bổ nhiệm bà Tú là vi phạm pháp luật.
Hải Hà