Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen
Nghề bảo vệ môi trường không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh cao cả. Chúng tôi tin rằng, chỉ những người có duyên và có phúc mới có thể làm nghề này, bởi vì đó là sự kết hợp giữa đam mê, tâm huyết và lòng yêu thiên nhiên.
Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường và lan tỏa tình yêu thiên nhiên!
Đó là những lời nói chân thành, mộc mạc được gửi gắm trong những câu chuyện thực tế và tâm huyết của ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhân dịp Tuần lễ môi trường năm 2024.
PV: Là một người dẫn đầu các chiến binh của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), ông nhận thấy mối nguy của vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay như thế nào?
Ông Phạm Văn Sơn: Để hiểu rõ hơn về vấn đề ô nhiễm hiện nay, tôi chỉ xin nêu một chi tiết nhỏ: Nồng độ dầu trong nước ở mức 0,1mg/lít (hàm lượng nàytương đươngchỉbằng 1 giọt dầu trong 1m3 nước)đãcó thểgiếtchết các loài sinh vật phù du, mắt xích đầu tiên trong lưới thức ăn ở sông, biển, có thể làm ung trứng,ảnh hưởng rất lớn đến con non và ấu trùng. Nghĩa là cá đẻ ra trứng nhưng trứng không thể nở thành con. Trứng nếu nở thành con thì con non cũng sẽ bị chết do không còn nguồn thức ăn cho chúng là các sinh vật phù du. Đó là nguyên nhân gây suy thoái hệ sinh thái dưới nước. Người dân chỉ cảm nhận được thiệt hại bởi ô nhiễm khi thấy cá chết nổi trắng mặt nước, nhưng không đủ chuyên môn để hiểu rằng với hàm lượng ô nhiễm dầu chỉ 0.1mg/lít nước đã có nguy cơ hủy hoại môi trường, ngư trường, làm kiệt quệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh hưởng của ô nhiễm dầu với sức khỏe con người còn nguy hiểm và khôn lường hơn khi hàm lượng các chất ô nhiễm có thể chưa làm chết các loài thủy sản, nhưng độc tố sẽ tích tụ trong xương thịt các loài thủy sản mà con người đưa lên bàn ăn. Và con người là địa chỉ cuối cùng nhận lại các độc tố do hoạt động gây ô nhiễm môi trường từ chính mình.
Và nhìn rộng ra, ô nhiễm đâu chỉ có dầu, mà còn nước thải với biết bao loại hóa chất độc hại xả ra từ hoạt động sản xuất của con người, từ hoạt động khai thác khoáng sản, dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật thoát ra môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, rác thải nhựa từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ô nhiễm ở tất cả các môi trường không khí, nước, đất. Và dù ở khía cạnh nào cũng có những vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhỏ tới lớn. Mọi việc cứ để thì từ nhỏ sẽ thành lớn, từ đơn giản sẽ thành phức tạp và huỷ hoại chính cuộc sống của mỗi chúng ta, đều là hậu quả từ hành động ứng xử của chúng ta với môi trường, với Mẹ thiên nhiên. Trung tâm SOS được hình thành như vậy để âm thầm thực hiện những nhiệm vụ và trả nợ môi trường.
PV: Tôi được biết, Trung tâm SOS đang có mặt trải dài khắp các miền của Tổ quốc để kịp thời xử lý những sự cố về môi trường. Vậy để làm tốt sứ mệnh của mình, SOS đã phải có năng lực và đầu tư trang thiết bị như thế nào để đáp ứng những tình huống cần kíp thưa ông?
Ông Phạm Văn Sơn: Trung tâm SOS tính đến thời điểm hiện nay đã thiết lập được hơn 100 trạm và điểm trực ứng phó sự cố môi trường với các chủng loại trang thiết bị vật tư chuyên dụng đa dạng sẵn sàng cho ứng phó khẩn cấp sự cố dưới nước, trên cạn, kể cả ngầm sâu dưới đất. Có tới hơn 200 loại hình trang bị vật tư thích ứng cho ứng phó khẩn cấp các sự cố dưới nước, trên cạn, trong đất, trong nước ngầm. Các trang bị vật tư này trong những năm qua không chỉ chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn ứng cứu hàng loạt các cố tràn dầu, mà còn ứng cứu các sự cố chất thải, sự cố hóa chất, kể cả ứng cứu sự cố hóa chất có tính ăn mòn cao như các loại axít đậm đặc bị tràn đổ, cháy, ứng cứu sự cố cháy pin xe điện, ứng cứu sự cố hỗn hợp, phục hồi môi trường sau sự cố.
Các trang bị đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng các thành viên đội ứng phó sự cố của Trung tâm SOS là điều chúng tôi hết sức chú trọng do tính chất công việc nguy hiểm. Khi mọi người chạy khỏi vùng hiểm nguy thì chúng tôi lại cần lao vào khống chế giảm thiểu nguồn độc hại phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Đó là hơn 100 người lính áo vàng đúng nghĩa là “người lính”, sẵn sàng hành động khi có mệnh lệnh, không quản ngại công việc nặng nhọc, gian khổ và nguy hiểm vì môi trường. Đó là những người thợ lành nghề, những chuyên gia giỏi trong nước và ngoài nước, những kĩ thuật viên ứng phó miệt mài hợp sức nghiên cứu, tạo ra những trang bị, giải pháp ứng cứu ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn, rút ngắn hơn thời gian ứng cứu sự cố, giải quyết được những vấn đề kĩ thuật nan giải vướng mắc tồn tại nhiều thập niên trước đây, được các đối tác quốc tế ghi nhận đánh giá cao.
PV: Được biết SOS đã và đang có những cuộc trò chuyện để truyền thông đến sinh viên các trường đại học trong cả nước về vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là một việc làm không phải một tổ chức nào có thể dành thời gian để làm được. Vậy động lực nào khiến ông yêu môi trường và sẵn sàng truyền lửa như vậy?
Ông Phạm Văn Sơn: Thực ra đây không phải là chiến dịch truyền thông của Trung tâm SOS. Tôi có nói chuyện với các thầy, cô dạy trong khoa môi trường của một số trường đại học và biết rằng số lượng sinh viên thi vào khoa môi trường đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tôi thấy cần thiết gặp gỡ để chia sẻ với các bạn sinh viên về hành trình tôi miệt mài suốt một phần tư thế kỷ qua với hoạt động bảo vệ môi trường đã mang đến cho tôi những giá trị tuyệt vời như thế nào. Những giá trị đó tuyệt vời hơn rất nhiều so với tiền bạc như mục tiêu tối thượng của nhiều người.
Nhiều người đuổi theo những việc làm “hot” với tham vọng kiếm thật nhiều tiền để thỏa mãn cho riêng mình nhu cầu vật chất, nhu cầu hưởng thụ ngày càng tăng cao không bao giờ có giới hạn, mà không hiểu được điều vô cùng giản dị: “Chúng ta cho đi điều gì thì sẽ nhận lại đúng điều đó. Cho đi yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương”. Càng tham cho riêng mình bao nhiêu thì càng bị vận vào mình bấy nhiêu. Tạo hóa ban cho muôn loài trong đó có loài người chúng ta môi trường sống vốn rất an lành và tuyệt vời, nhưng nhiều người tự cho mình quyền dành chiếm hết của các loài khác, tự làm hại chính mình do khai thác tàn phá thiên nhiên, đầu độc môi trường sống của mình và cả các loài khác do các hoạt động của chính con người.
Hành trình một phần tư thế kỷ của tôi là hành trình một phần tư thế kỷ gửi yêu thương vào môi trường thiên nhiên với sự biết ơn và thể hiện sự biết ơn đó bằng những hành động cụ thể. Hành động bắt đầu từ bản thân mình một cách kiên định, âm thầm. lặng lẽ, với lòng biết ơn, và hành động với tâm thế trả ơn. Niềm vui và hạnh phúc thật lớn mỗi khi chúng tôi có được những giải pháp mới, thiết bị mới. Niềm vui lớn mỗi khi chúng tôi ngăn chặn kịp thời không cho các chất độc hại có cơ hội thoát ra môi trường với hậu quả lâu dài khôn lường.
Niềm vui lớn mỗi khi chúng tôi phục hồi môi trrường sau sự cố, trả lại màu xanh cho những cánh đồng lúa trĩu hạt. Và tôi chợt nhận ra rằng tôi đã nhận được từ Mẹ Thiên nhiên tình yêu thương đáp lại lớp gấp bội, nhận được sự nâng đỡ để Trung tâm SOS có mạng lưới rộng khắp như ngày hôm nay với nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả sự cố ô nhiễm để bảo vệ Mẹ Thiên nhiên và bảo vệ chính những đứa con của Mẹ Thiên nhiên. Hành trình của tôi, trải nghiệm của tôi, suy nghĩ của tôi là thật.
Và tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình tới các học sinh để hiểu hơn khi lựa chọn hướng nghiệp, để các bạn hiểu rằng: Công việc nào, nghề nào cũng phải nỗ lực hết mình, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chỉ khác nhau ở chỗ công việc đó mang lại lợi ích cho riêng cá nhân mình hay mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh các hoạt động của con người hiện nay đang gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới mức báo động.
PV: Nhân dịp tuần lễ môi trường năm nay, ông có chia sẻ gì và đề xuất gì với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các cấp ban ngành địa phương trong ứng phó với môi trường, phát triển đất nước bền vững?
Ông Phạm Văn Sơn: Tôi nghĩ giản dị lắm. Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhận thức, và bắt đầu từ chính bản mỗi người trong chúng ta, hành động với lòng biết ơn và tâm thế trả ơn. Chính xác hơn phải dùng từ “trả nợ”. Trả nợ cho môi trường vốn trước đây đã từng rất trong lành. Chúng ta không trả nợ cho “khoản vay” từ môi trường thì con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ gấp bội. Với tâm thế đó thì bất cứ ai ở cương vì nào cũng đều biết việc gì cần phải làm, việc gì không được làm. Mẹ Thiên nhiên nuôi chúng ta, và qua dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta hiểu bài học giản dị rằng không khí, nước và thực phẩm thiết yếu quan trọng hơn tất cả những thứ phù du mà cả cuộc đời nhiều người lao vào vòng xoáy, đầu độc Mẹ Thiên nhiên. Nếu Mẹ Thiên nhiên gục ngã thì chúng ta - những đứa con của Mẹ Thiên nhiên sẽ như thế nào?
Tôi rất vui mừng vì những năm gần đây Đảng, Chính phủ, Bộ TN&MT dành sự quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường thông qua việc ban hành các văn bản Pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn. Hợp tác quốc tế về môi trường ngày càng sâu rộng hơn. Đó cũng là yêu cầu khách quan và cấp thiết khi các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tôi nghĩ, nếu Tuần lễ môi trường có thể là cơ hội tập hợp được những người yêu môi trường một cách tự nhiên và tự nguyện, chia sẻ, lan toả đi những hành động đó tới cộng đồng thì ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tạo nên những điều tốt đẹp. Đó vẫn có thể là những hoạt động dọn sạch rác bờ biển, ao hồ. Đó có thể là phân loại rác thải nhựa để ai cũng hiểu rác thải nhựa sẽ đe doạ cuộc sống của không chỉ các loài sinh vật dưới nước, trên cạn, trong lòng đất, mà còn đe doạ cuộc sống của chính chúng ta ở hiện tại cũng như tương lai. Đó là tuần lễ toàn dân không sử dụng túi nilon khi đi chợ, khi đi mua đồ. Đó có thể là những cuộc thi ý tưởng bảo vệ môi trường từ các trường đại học, từ những ngôi trường THPT và có sự đồng hành để tình yêu môi trường lan toả đi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất. Năm nào cũng có rất nhiều những hoạt động và chúng ta cần nhắc lại những hoạt động bảo vệ môi trường như thói quen ăn vào tiềm thức, như khơi lên lòng tự hào dân tộc và quyết liệt hơn trong từng hành động “trả nợ” với môi trường. Trung tâm Ứng phó sự cố Việt Nam cũng sẽ có những sự lan toả khi tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương, khi chia sẻ câu chuyện về hậu quả từ một giọt dầu nhỏ bé ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Và mỗi người lính áo vàng sẽ là một đại sứ để thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường, giống như toàn xã hội từ trẻ nhỏ tới người già mỗi người đều có những câu chuyện và sáng kiến riêng để bảo vệ môi trường.
Tuần lễ môi trường hãy khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, như một hành động từ tiềm thức. Chúng ta sẽ thấy môi trường xung quanh còn thật nhiều điều cần làm, còn nhiều việc cần khắc phục. Khi đó ý nghĩa của tuần lễ môi trường sẽ không nằm ở một tuần lễ do cơ quan nhà nước phát động mà như mệnh lệnh hành động từ chính trái tim mỗi người dân bình thường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PV