Phát huy, gìn giữ nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghệ thuật sân khấu là một trong những thành tố của văn hóa, mà văn hóa lại là một trong những nguồn lực của sức mạnh nội sinh. Sức mạnh nội sinh của sân khấu Việt Nam được nhận biết từ giá trị của các tác phẩm, cũng như khả năng tác động, ảnh hưởng của chúng đối với con người và xã hội, cá nhân và cộng đồng, theo hệ giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ. Những giá trị đó là tinh hoa văn hóa dân tộc, kết tinh trí tuệ sáng tạo nghệ thuật của nhiều người, nhiều thế hệ; phản ánh truyền thống của dân tộc thể hiện qua điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh sống, phong tục, tập quán, qua ca - múa - nhạc - diễn và hình tượng nghệ thuật mang đậm hồn Việt… Nghệ thuật sân khấu, xuyên thấm vào trong nền văn hóa dân tộc, hòa cùng chính trị, kinh tế, xã hội... tạo nên sức mạnh tổng hợp - sức mạnh nội sinh của quốc gia trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, thật đáng trân trọng những con người tâm huyết, đau đáu với sự bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cổ truyền. Vừa qua, T.S, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã cho ra mắt tác phẩm Phát huy, gìn giữ nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Đây là tập hợp các tác phẩm do Phạm Hồng Điệp sáng tác, được Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, các Nghệ nhân dân gian: Đào Bạch Linh, Nghệ sỹ Chèo: Văn Mởn, Thanh Mai, Thùy Dương, Thanh Bình thể hiện. Tuyển tập gồm các bài chèo, xẩm như: Kiến Giang xanh hòa sông Cấm; Sen hồng; Dựng xây quê hương; Lời Đại tướng dặn dò bên gốc đa xanh; Ca ngợi công ơn Đại tướng....