Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ năm, 13/10/2022 14:05 (GMT+7)

Phát triển kinh tế tuần hoàn - Cơ hội và nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường để hiểu rõ hơn về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) .

PV: Hiện nay, chúng ta nghe rất nhiều đến khái niệm KTTH trên các phương tiện truyền thông đại chúng, theo ông cách hiểu đúng và rõ ràng nhất về KTTH là gì? Vai trò và lợi ích của KTTH trong nền kinh tế là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: KTTH là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình KTTH là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa.

Như vậy, có thể hiểu KTTH là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. KTTH vận hành như một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế... Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình KTTH được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp...

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Phát triển kinh tế tuần hoàn - Cơ hội và nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.

KTTH góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Đối với quốc gia, phát triển KTTH là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đối với xã hội, KTTH giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân.

Đối với doanh nghiệp, KTTH góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.

PV: Có thể thấy, KTTH là mô hình ưu việt, là xu hướng phát triển chung của thế giới. Tại Việt Nam, khái niệm KTTH còn khá mới mẻ, theo ông Việt Nam cần làm gì để phát triển cũng như nhân rộng mô hình này?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Ở Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường", "xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".

Đặc biệt, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển KTTH.

Việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang KTTH tại Việt Nam bước đầu còn gặp khó khăn do thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật… Đặc biệt hành vi của nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng chưa thân thiện môi trường.

Cần đưa ra khái niệm về KTTH một cách đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp luật trong đó khuyến khích tạo hệ sinh thái cho các mô hình KTTH được thực hiện bởi doanh nghiệp, người tiêu dùng. Muốn thực hiện KTTH cần bắt đầu ngay từ đầu khi thiết kế sản phẩm, thiết kế sinh thái để có thể tuần hoàn được vật liệu, chu trình.

Từ phía Chính phủ và các nhà tài trợ cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận tài chính cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa; gắn việc chuyển đổi mô hình KTTH với cắt giảm phát thải carbon. Điều này sẽ tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi, phát triển KTTH. Do đó, cần có chính sách khuyến khích mua sắm công ưu tiên các sản phẩm sử dụng vật liệu tuần hoàn, từ đó hình thành thị trường tiêu thụ.

Rõ ràng, KTTH là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Phát triển kinh tế tuần hoàn - Cơ hội và nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân - Ảnh 2
Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" vào tháng 7/2022.

PV: Theo ông, để có thể phát triển mô hình KTTH một cách hiệu quả, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần phải làm gì?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

Do đó, cần tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất; đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn. Để phát triển KTTH đòi hỏi cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế tuần hoàn - Cơ hội và nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới