Chủ nhật, 24/11/2024 07:34 (GMT+7)
Thứ tư, 20/10/2021 16:00 (GMT+7)

Phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất, giúp giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Kinh tế tuần hoàn - hướng đi bền vững để bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, gần 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, gần 100 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong đó, một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực trong thời gian vừa qua.

Điển hình như: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.

Phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Vật liệu từ chất thải được tái tạo lại thành bao bì giấy để sử dụng. (Ảnh minh họa)

Trước đó, năm 2019, 9 tập đoàn hàng đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), được xem như một mô hình sơ khai của tổ chức thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với ngành hàng bao bì.

Hiện nay, PRO Việt Nam đã có 19 thành viên, với nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh các thành viên PRO, một số doanh nghiệp lớn khác như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, BAT Việt Nam cũng rất tích cực tuần hoàn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đi tiên phong theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Heineken Việt Nam là một doanh nghiệp điển hình trong tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững Heineken Việt Nam cho biết, tính đến hiện tại, doanh nghiệp này đã tái chế, tái sử dụng được 99,7% phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất.

Tpỉ lệ này đạt được nhờ những chính sách sáng tạo của đội ngũ Heineken Việt Nam, có thể kể đến như chương trình thu nắp chai bia để xây cầu tại các địa phương khó khăn; Sử dụng nhiên liệu sinh khối làm từ mùn cưa, vỏ trấu…

Là một trong những tập đoàn tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn, theo bà Mỹ, Heineken Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi “chính sách luôn đi sau một chút” so với câu chuyện thực tế của doanh nghiệp.

Đại diện hãng bia hàng đầu Việt Nam lấy ví dụ về việc mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất, rất trông chờ vào cơ chế thí điểm bán điện trực tiếp (DPPA), tuy nhiên cơ chế này vẫn liên tục bị trì hoãn.

Một ví dụ khác về sự tích cực và tiên phong trong triển khai kinh tế tuần hoàn là Coca Cola Việt Nam, thành viên sáng lập của PRO Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Coca Cola Việt Nam cho biết, thông qua 3 trụ cột là Thiết kế; Thu gom; Đối tác, tập đoàn nước giải khát này đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực và đem lại kết quả tương đối khả quan.

Hiện tại, cùng chung mục tiêu với PRO Việt Nam, Coca Cola hướng đến năm 2030 sẽ tái chế 100% bao bì được sử dụng, đồng thời cam kết bù hoàn 100% nước sạch, giảm sử dụng nguyên nhiên liệu gây ra phát thải nhà kính…

Theo đại diện Coca Cola Việt Nam, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp còn gặp cản trở do sự thiếu đồng bộ về tuần hoàn tài nguyên, cụ thể là ở những mắt xích còn rất yếu như thiết kế sản phẩm và thu gom, phân loại rác thải.

Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cũng là điểm nghẽn, gây cản trở rất nhiều đến hoạt động thu gom và tái chế.

Phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Sử dụng chai nhựa trong thay cho chai nhựa màu là giải pháp nâng cao khả năng tái chế bao bì của Coca Cola. (Ảnh minh họa)

Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế tuần hoàn từ nhiều quốc gia trên thế giới

Trong những năm gần đây, một số quốc gia đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…

Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày.

Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn.

Tại châu Âu, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia loại hình kinh tế này.

Theo ước tính, tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỉ Euro mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại quốc gia này, Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải. 

Ngoài ra, quốc gia này cũng có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới