Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ ba, 03/12/2019 13:30 (GMT+7)

Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) đã phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí (AirNet) tại Hà Nội và ứng dụng di động về cải thiện chất lượng không khí.

Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội - Ảnh 1
Cảnh khói bụi trên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: TTXVN.

Hiện vấn đề ô nhiễm không khí đang được người dân và dư luận đặc biệt quan tâm, vì đây là tác nhân hàng đầu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách tổng thể là vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có sự chung tay của các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng mới đem lại hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.

Để góp phần cải thiện chất lượng không khí, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí (AirNet) tại Hà Nội và ứng dụng di động về cải thiện chất lượng không khí dành cho cộng đồng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, phụ trách Dự án về các hoạt động của AirNet trong nỗ lực cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Bà có thể cho biết về mục tiêu, kết quả phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí (AirNet)?

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh: AirNet là mạng lưới độc lập, phi lợi nhuận, được phát triển bởi Trung tâm FIMO, Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2017-2020, với sự hỗ trợ của các dự án từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Hợp tác và phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Dự án hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, thông qua việc xây dựng mạng lưới giám sát cải thiện chất lượng không khí sử dụng các thiết bị cảm biến chi phí thấp, tại các trường học và cơ quan ở Hà Nội, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về cải thiện chất lượng không khí.

Để triển khai Dự án, AirNet được xây dựng nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu và cung cấp thông tin về chất lượng không khí và cải thiện chất lượng không khí cho cộng đồng.

Ý tưởng phát triển AirNet bắt đầu từ năm 2015, khi nhóm chuyên gia tại Trung tâm FIMO nghiên cứu các mô hình về cải thiện chất lượng không khí cần tăng cường các dữ liệu quan trắc mặt đất.

Tháng 9/2017, AirNet được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam,” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức. Đây là 1 trong 21 dự án được trao giải và tài trợ phát triển trong tổng số 350 đề xuất.

Tháng 9/2018, Trung tâm FIMO và GIZ phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, quận Hoàn Kiếm hỗ trợ triển khai lắp đặt 2 trạm quan trắc ngoài trời đo các thông số PM2.5, PM10, CO và NO2 tại chợ Cầu Đông và Phố Sách (quận Hoàn Kiếm).

Với mục tiêu mở rộng thông tin về hiện trạng chất lượng không khí trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, từ 2019, với tài trợ từ USAID, thông qua dự án với Trung tâm sống và học tập vì môi trường và Cộng đồng (L&L), Trung tâm FIMO đã tiến hành lắp thiết bị trong nhà và ngoài trời đo các thông số PM2.5, PM10 và CO tại một số điểm bao gồm các trường học, cơ quan trên địa bàn Hà Nội.

- Để vận hành AirNet, việc khảo sát và lắp đặt các thiết bị quan trắc đo chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà được thực hiện như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh: Sau khi tiến hành công tác khảo sát, Trung tâm FIMO đã tiến hành lắp đặt các thiết bị FairKit do FIMO phát triển tại 27 điểm quan trắc ngoài trời và 20 điểm trong nhà tính đến thời điểm hiện tại.

Công tác khảo sát vị trí lắp đặt ngoài trời được các chuyên gia thực hiện đúng quy trình, phù hợp với các tiêu chí về kĩ thuật như vị trí đặt thiết bị trống và thoáng gió, tránh các nguồn phát thải trực tiếp (ống khói, bãi đỗ xe..), tránh các địa địa điểm bị chắn bởi các vật cản.

Đối với các trạm đặt ở khu dân cư, vị trí lắp đặt thiết bị có khoảng cách đối với đường: lớn hơn 20m với đường nhỏ, lớn hơn 50 với đường trung bình và lớn hơn 100m với đường lớn. Độ cao lấy mẫu không không quá 20m...

Ngoài ra, một số các tiêu chí khác cũng được cân nhắc như đảm bảo tính an toàn của thiết bị, đảm bảo về truyền thông dữ liệu liên tục như điện, mạng wifi, 4G…

Thiết bị FairKit có khả năng đo các thông số chất lượng không khí cơ bản (PM2.5, PM10, CO, NO2, SO2, O3) và nhiệt độ, độ ẩm tương đối.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, các thiết bị chủ yếu được cung cấp các cảm biến đo thông số về hai loại bụi mịn PM2.5 và PM10, cùng các thông số về CO, nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Thiết bị sử dụng nguồn điện linh hoạt, gồm năng lượng mặt trời hoặc điện lưới.

Có 2 loại thiết bị FAirKit đo chất lượng không khí trong nhà và đo chất lượng không khí xung quanh có sự khác biệt trong thiết kế, do tính chất đặc thù của từng môi trường lắp đặt: Thiết bị đặt trong nhà có hỗ trợ màn hình hiển thị trực tiếp thông số đo đạc, trong khi thiết bị ngoài trời được thiết kế có hộp bảo vệ tránh mưa nắng và va đập.

Để tăng cường độ chính xác, thiết bị FairKit được áp dụng thuật toán hiệu chỉnh số liệu, chạy thử nghiệm và căn chỉnh trong phòng thí nghiệm trước khi triển khai lắp đặt thực tế.

Cán bộ của trường học và cơ quan tiếp nhận được FIMO đào tạo, tập huấn về kỹ năng vận hành và bảo quản. Thiết bị sẽ được theo dõi hoạt động hàng ngày và được FIMO hiệu chuẩn lại sau 6 tháng vận hành.

Các thiết bị trong mạng lưới FairKit tự động kết nối (không dây) với hệ thống FairNet liên tục 24/7 để lưu trữ, xử lý dữ liệu và công bố thông tin trên trang web airnet.vn và ứng dụng Airnet trên điện thoại di động.

Các thông số AirNet cung cấp bao gồm chỉ số chất lượng không khí (AQI) và nồng độ các chất quan trắc tại trạm theo trung bình giờ, được cập nhật theo thời gian thực.

Tính toán AQI của AirNet căn cứ theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số AQI Việt Nam được Tổng cục Môi trường vừa mới ban hành.

Trong thời gian tới, Trung tâm FIMO sẽ hoàn thiện việc xây dựng các thuật toán thông minh để nâng cao chất lượng dữ liệu, tạo ra các bản đồ ô nhiễm không khí trên thành phố Hà Nội. Nhóm cũng sẽ thiết kế và chế tạo sản phẩm, xây dựng ứng dụng phần mềm để phù hợp với thị hiếu người dùng.

- Trung tâm FIMO có đề xuất giải pháp gì với cơ quan chức năng để việc cung cấp thông tin chất lượng không khí cho người dân được chính xác, kịp thời và hiệu quả?

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh: Thời gian gần đây, thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và dư luận.

Trong số đó, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí thường có xu hướng tăng vào các tuần cuối năm, vào những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi; giảm vào tuần nghỉ lễ, tết và những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi.

Ngoài ra, người dân cũng rất quan tâm đối với tình hình không khí ở các công trường xây dựng, khu công nghiệp, khu đân cư… Trong đó nồng độ bụi thường tăng cao tập trung vào các trục đường giao thông, nơi có mật độ dày đặc các lượt phương tiện đi qua.

Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội - Ảnh 2
Khu vực Đại lộ Thăng Long chìm trong màn sương bụi mù mịt lúc 8 giờ 30 sáng 12/11. Nguồn ảnh: TTXVN.

Để cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho người dân về chất lượng không khí, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo về môi trường không khí.

Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của thành phố.

Đồng thời, cần phải huy động sự vào cuộc của người dân vào công tác quy hoạch, xây dựng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường.

Người dân không chỉ phản ánh, mà phải là chủ thể tích cực nhất, tham gia đồng hành cải thiện môi trường, vì lợi ích của chính bản thân và cộng đồng.

Bên cạnh các trạm quan trắc chất lượng không khí truyền thống, việc tiếp tục duy trì mạng lưới quan trắc chất lượng không khí AirNet mang tính chất tham khảo và định tính, sẽ mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp thông tin tham khảo hữu ích và tin cậy cho các bên liên quan.

Là một đơn vị nghiên cứu, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước về các hướng dẫn và hỗ trợ về mặt kỹ thuật, để phát triển mạng lưới này trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bạn đang đọc bài viết Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới