Chủ nhật, 24/11/2024 07:42 (GMT+7)
Thứ năm, 18/05/2023 08:00 (GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vì một Việt Nam hùng cường

Theo dõi KTMT trên

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của đất nước, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nêu rõ, một trong những giải pháp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một tất yếu khách quan.

Nguồn nhân lực dồi dào

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2022, nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Quy mô dân số cả nước ước đạt 97,58 triệu người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 54,6 triệu người, chiếm gần 65% so với quy mô dân số cả nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 nghìn người gia nhập lực lượng lao động.

Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước giảm 1,2 triệu người so với năm 2019, chủ yếu là do sự sụt giảm ở khu vực nông thôn (giảm hơn 1,1 triệu người). Trong số lực lượng lao động năm 2022, lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý 2/2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 1

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo vệ tinh NanoDragon. Nguồn: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Trình độ học vấn của nhân lực Việt Nam liên tục được cải thiện qua từng năm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đã tăng hơn gấp 2 lần sau khoảng 20 năm, từ 10,3% (năm 2000) lên 22,8% (năm 2019). Giai đoạn 2009 - 2019, trình độ học vấn của nguồn nhân lực Việt Nam đã được nâng cao; phân bổ lực lượng lao động theo trình độ học vấn tăng mạnh ở các nhóm trình độ cao và giảm mạnh ở các nhóm trình độ thấp.

Không chỉ trình độ học vấn được nâng cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên đáng kể so với năm 2007, tăng 6,3 điểm phần trăm, từ 17,7% (năm 2007) lên 24% (quý II/2020). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 4,9% (năm 2007) lên 11,1% (quý II/2020). Điều này cho thấy trong những năm qua, giáo dục đại học và trên đại học của Việt Nam đã có những thay đổi lớn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế

Mặc dù sự gia tăng về dân số kéo theo số lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động tăng trưởng mạnh, thế nhưng con số đạt chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp lớn vẫn còn hạn chế. Tính đến tháng 3/2021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người).

Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.

Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức trong tương lai

Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những thách thức rất lớn của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là trong ngành may mặc. Ngoài ra, sự phát triển của kinh tế số sẽ làm mất đi một số lượng lớn công việc, thay thế tới 1/3 lực lượng lao động chế biến nông sản, thay thế 26% số lao động trong ngành logistics ở Việt Nam.

Trong những năm tới, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới nhưng để phát triển được nền kinh tế số, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực. Kinh tế số phát triển đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Kinh tế số phát triển sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về lao động, quá trình chuyển đổi số sẽ vừa làm mất việc làm nhưng cũng sẽ tạo ra việc làm mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua tuy đã được tập trung đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

"Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng, đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo dự báo của các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025 máy móc và con người sẽ có thời gian làm việc tương đương, máy móc sẽ thay thế vị trí của con người khiến cho 85 triệu việc làm có thể bị mất đi. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những việc làm mới được tạo ra trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề.

Kinh tế số sẽ làm thay đổi lớn về cơ cấu lao động và thị trường lao động. Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ gây ra sự bất ổn thị trường lao động, làm gia tăng nỗi lo mất việc do tự động hóa và Việt Nam cùng các nước trong khu vực có thể mất đi lợi thế so sánh dựa trên chi phí lao động thấp. Kinh tế số mang lại những cơ hội phát triển lớn, nhưng người lao động cần phải được chuẩn bị những kỹ năng và năng lực phù hợp với nhu cầu công việc trong tương lai.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được cho là yếu tố quyết định để thực hiện hai khâu đột phá còn lại là hoàn thiện thể chế kinh tế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của đất nước, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, quyết định đến thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thời gian qua Việt Nam đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp để đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó hiện có 6 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.

Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù.

Thứ năm, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao.

Thứ sáu, sắp xếp tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng, miền và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, con người là chủ thể của sự phát triển đất nước, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Do đó, phải lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực, động lực, là mục tiêu phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Cần đột phá phát triển con người, mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là giới tinh hoa, những chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi. Nguồn nhân lực phải có chất lượng cao mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Vì một Việt Nam hùng cường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới