Chủ nhật, 24/11/2024 05:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/09/2023 17:00 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp bền vững đang phải đối mặt với thách thức gì?

Theo dõi KTMT trên

Cho đến nay, ngành nông nghiệp đã gặt hái thêm nhiều kết quả khả quan. Song, phát triển nông nghiệp bền vững vẫn còn tiềm ẩn những thách thức không nhỏ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Biến đổi khí hậu 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, điển hình như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,... Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Một mặt, biến động thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, khó kiểm soát, một mặt khác, nếu Việt Nam không tích cực chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững thì ngành nông nghiệp sẽ nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, mất mùa, xa hơn nữa là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân. 

Các nhà khoa học cũng dự báo nếu biến đổi khí hậu gia tăng thì sẽ dẫn tới một số tác động rõ rệt như các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung sẽ hạn hán nhiều hơn; số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ; bão lũ sẽ gây ảnh hưởng ngày thêm nặng nề trên quy mô cả nước,... Bên cạnh những giải pháp kịp thời, bền vững, nông nghiệp Việt Nam cũng cần học cách sống chung với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tối đa hậu quả lên kinh tế - xã hội. 

Phát triển nông nghiệp bền vững đang phải đối mặt với thách thức gì? - Ảnh 1
Hạn hán có năm làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. 

Chuyển giao công nghệ 

Chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những bước tiến nhảy vọt trong phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, áp dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp cho cây trồng như bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch,… Cũng nhờ vậy mà người sản xuất có thể giảm thiểu tối đa chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Cụ thể, việc đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30% góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ số, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.

Phát triển nông nghiệp bền vững đang phải đối mặt với thách thức gì? - Ảnh 2
Thu hoạch cá chim vảy vàng tại Nha Trang - Kết quả của dự án đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Song song với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đổi mới sáng tạo chưa thực sự được phát huy hoàn toàn. Hơn nữa, trình độ khoa học, công nghệ của nước ta nhìn chung còn khoảng cách rất lớn so với nhóm đầu khu vực. Điển hình là trước mắt chưa thể áp dụng những xu hướng công nghệ mới như các làn sóng đột phá giải mã trình tự gen đến công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến tính toán lượng tử,... 

Thêm vào đó, trình độ công nghệ của người dân chưa thể “một bước liền đột phá” mà cần thời gian và quá trình để phổ cập và vận hành. Chính điều này khiến việc áp dụng khoa học công nghệ vẫn chưa thể tạo thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nước nhà. 

Rủi ro từ hội nhập quốc tế

Với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh việc hội nhập với kinh tế quốc tế thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN,... Hội nhập mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. 

Tuy nhiên, song song với những cơ hội trên thì nền kinh tế đất nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là về năng lực quản lý, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn thấp, thiếu định hướng chiến lược rõ ràng trong tương lai. Đặc biệt chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt cho hội nhập quốc tế khi trình độ sản xuất của nông dân lạc hậu, manh mún, thiếu thông tin về thị trường thế giới và khu vực, hệ thống pháp luật hiện hành chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của các hiệp định thương mại quốc tế mà mới chỉ đơn thuần dừng lại ở thực tiễn trong nước. 

Nếu không sớm khắc phục những hạn chế trên thì nông nghiệp Việt Nam không những không thể vượt qua các rào cản kỹ thuật ngặt nghèo của các thị trường khó tính mà còn khó giữ vững được thị trường trong nước.

Phát triển nông nghiệp bền vững đang phải đối mặt với thách thức gì? - Ảnh 3
Việt Nam đang nỗ lực tận dụng các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu.( Ảnh: Đức Thanh)

Rõ ràng, để phát triển nông nghiệp bền vững cần có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành vĩ mô, sửa đổi các quy phạm pháp luật thiết yếu đến các biện pháp về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm xanh đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế,...

Hải Ly

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp bền vững đang phải đối mặt với thách thức gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới