Chủ nhật, 24/11/2024 05:08 (GMT+7)
Chủ nhật, 12/01/2020 07:15 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu

Theo dõi KTMT trên

Phát triển hồ tiêu nóng vội khi giá đã lên đỉnh, nhiều người dân Gia Lai đã phải bán đất, bán nhà khi giá xuống dốc không phanh. Câu chuyện thiếu thông tin thị trường chính là gánh nặng đè lên vai người sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu - Ảnh 1
Nhiều cọc trồng tiêu trơ trọi tại Gia Lai vì người dân bỏ rẫy tiêu. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Tăng nóng khi giá đã nguội

Quy hoạch trồng tiêu của Gia Lai đến năm 2020 là 6.000 hecta. Tuy nhiên thời đỉnh điểm vào khoảng năm 2016 diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 hecta (sản xuất nông hộ chiếm 97,4%, doanh nghiệp chỉ chiếm 2,6%).

Sau 4 năm 2014-2017 là mặt hàng trong “top” nông sản XK tỉ USD, “bão giá” triền miên đã chính thức khiến hồ tiêu Việt bật khỏi “top” tỉ USD trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vào năm 2013, 2014 khi giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg, người nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao. Ngoài Việt Nam, diện tích tiêu ở các nước khác như Brazil, Campuchia… cũng tăng lên. Gộp lại, cung hồ tiêu thế giới cao hơn cầu nên giá tiêu sẽ thấp.

Chỉ riêng Gia Lai, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho hay: Khi tiêu được giá thì dù quy hoạch, khuyến cáo ra sao người dân cũng vẫn đổ xô làm tiêu. “Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng khi hồ tiêu được giá, người trồng tiêu còn tập trung bón nhiều phân vào gốc để tăng năng suất tiêu tới mức 8-9 kg/gốc. Bị thúc quá nhiều khiến cây tiêu sinh ra nấm bệnh, sau đó hồ tiêu rơi vào tình trạng chết nhanh, mất diện tích”, ông An nói.

Cây bệnh, giá xuống… mọi nỗ lực của người trồng tiêu đổ sông đổ bể nên vào những huyện chuyên trồng tiêu những ngày cuối năm này luôn vắng bóng những nhân lực lao động chính. Khi được hỏi thì thường có câu trả lời chung là “vào khu công nghiệp kiếm việc rồi”.

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu - Ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tám (thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh), người từng nổi tiếng trồng tiêu ở huyện này và có những người con đang làm ăn khấm khá ở nhiều địa phương khác nhau đều quay về trồng tiêu nhưng cũng không thoát khỏi bão giá. Ông Tám kể: “Gia đình tôi đang nợ 750 triệu đồng, tôi đang cố gắng trả nợ. Xót xa nhất là những người dân nghèo mới chỉ kịp đầu tư mà chưa đến ngày thu hoạch. Cả thôn Ia Hrú có khoảng 200 hộ dân, hầu như hộ nào cũng trồng tiêu. Làm càng nhiều, nợ càng lớn”.

Nhìn về tổng thể sản xuất, XK hồ tiêu trong năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Khối lượng XK hồ tiêu ước đạt 284.000 tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Đáng chú ý, năm 2019, giá XK hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với năm 2018.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác. 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. 2 năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Những hướng đi mới

Trong bức tranh màu xám của phát triển hồ tiêu tại Gia Lai vẫn đang le lói những đốm lửa nhỏ để giữ và phát triển ngành hàng này theo hướng hoàn toàn mới.

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu - Ảnh 3
Ông Nguyễn Tấn Công (áo đỏ), Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Đến gặp ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) nghe câu chuyện phát triển Hợp tác xã này thấy ánh lên niềm hy vọng.

Hợp tác xã hình thành từ tháng 7/2017 với 15 thành viên ban đầu và tổng vốn điều lệ chỉ 55 triệu đồng, trồng diện tích 50 hecta tiêu và 40 hecta cà phê. Đến nay, Hợp tác xã có 80 thành viên, trồng tổng diện tích hồ tiêu là 100 hecta, trong đó có 16 hecta hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của Hợp tác xã vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg.

“Hợp tác xã không có chuyện tồn kho hồ tiêu. Giá tiêu hữu cơ bán được cao hơn hẳn 150-200% so với hồ tiêu thông thường. Niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5 hecta trồng hồ tiêu và doanh thu thu về là hơn 1 tỉ đồng. Hiện nay, tiêu của hợp tác xã chủ yếu bán cho doanh nghiệp. Thị trường nội địa khá tốt và thậm chí hợp tác xã có cả đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng xuất nhiều chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...”, ông Công cho biết.

Vị Chủ tịch Hợp tác xã nhấn mạnh thêm: Hợp tác xã không yêu cầu tất cả xã viên làm tiêu hữu cơ. Quan trọng là các hộ dân cần làm tiêu theo hướng đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.

Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu - Ảnh 4
Tiêu được sản xuất theo VietGap đạt giá trị cao. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Từ câu chuyện của Hợp tác xã Tiêu Lệ Chí có thể thấy rằng, chính cách làm có tính toán, đi chậm mà chắc, nhấn vào chất lượng là yếu tố quan trọng giúp người trồng tiêu không bị “nhấn chìm” giữa cơn “bão giá” hoành hành suốt thời gian qua và đây là cách làm nhiều vùng trồng tiêu khác có thể xem xét, học hỏi.

Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ NN&PTNT nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế…

Với một lực lượng sản xuất nông hộ lớn như hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý ngoài khuyến cáo theo mùa vụ, cần phải đặt nặng hơn yếu tố dự báo thị trường để đỡ gánh nặng trên vai nông dân. Câu chuyện hồ tiêu dường như luôn hiện hữu ở những ngành hàng khác của các sản phẩm nông nghiệp. Vòng quay trồng- chặt – trồng, nuôi – bỏ - nuôi khi được vận động cùng nhịp thị trường sẽ đưa đời sống người nông dân tiến lên rất nhiều. Tuy nhiên, khi còn lỗi nhịp thị trường, khi còn chưa đủ kỹ năng sản xuất theo diện tích vùng nguyên liệu cho hàng hóa thì chuyện “giải cứu” sẽ không bao giờ đi vào dĩ vãng.

Đỗ Hương

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp: Ngẫm từ câu chuyện hồ tiêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới