Phó thủ tướng chỉ đạo 'nóng' sau việc hàng loạt cây xăng đóng cửa vì 'khan hàng'
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính chủ động điều hành giá, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Ngày 18/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thanh tra 33 'ông lớn' xăng dầu
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay không nằm trong diện thanh tra lần này. Do đó, sẽ chỉ có 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu bị thanh tra.
Theo đó, Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương sẽ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 33 thương nhân kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2/2022. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, tính từ ngày công bố quyết định.
Đoàn Thanh tra sẽ có đánh giá chung về hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời kỳ thanh tra, bao gồm cơ chế hoạt động và đặc thù hoạt động trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022; báo cáo đánh giá chung về kết quả đã đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh tra cũng sẽ làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu như điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong đó, thanh tra các vấn đề về giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc của thuê sử dụng của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu, phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác; phương tiện vận tải xăng dầu nội địa.
Ngoài ra, Đoàn Thanh tra cũng thanh kiểm tra về hệ thống phân phối xăng dầu bao gồm các nội dung như cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê; tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân...
Đoàn Thanh tra cũng sẽ làm rõ các vấn đề như việc đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định; báo cáo số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, xuất khẩu xăng dầu.
Song song đó, hàng loạt vấn đề nóng như nhập, tiêu thụ, dự trữ cũng được làm rõ.
Tăng cường dự trữ xăng dầu để đảm bảo nguồn cung
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc giá xăng dầu thế giới, giá thế giới tăng nên giá xăng dầu nước ta cũng phải tăng theo. Vì vậy, ở thời điểm này vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu, từ đó giúp người dân và nền kinh tế phục hồi sau giãn cách do dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ như “một tấm đệm giảm xốc” trong một thời điểm nhất định chứ không thể kìm giữ mãi đà tăng của giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới được. Hơn nữa, hiện dư địa của quỹ này không còn nhiều khi quỹ bình ổn ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng về lâu dài Việt Nam phải tăng lượng dự trữ xăng dầu như các nước trên thế giới. “Hiện nước ta vẫn chưa có những kho dự trữ xăng dầu quy mô lớn, các đầu mối xăng dầu cũng chỉ dự trữ được khoảng 6-8 ngày nên khó can thiệp khi giá xăng dầu tăng cao bất ngờ. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng những kho dự trữ lớn từ sáu tháng đến một năm” - ông Thịnh góp ý.
Bên cạnh giải pháp trên, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc giảm các loại thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu. Bởi hiện nay các loại thuế, phí chiếm tỉ trọng quá lớn cũng “góp phần” khiến giá xăng trong nước quá cao. Ví dụ, các loại thuế, phí chiếm đến gần 45% giá thành bán ra của 1 lít xăng A95.
Hà Lan (T/h)