Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ ba, 25/04/2023 06:50 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Tiếp thu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng"

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, "tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng", bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng," bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể, “tập trung vào những vấn đề lớn, đòi hỏi các bộ, ngành cùng thống nhất phương án tiếp thu."

Theo đó, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến làm rõ thêm hướng xử lý mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Đáng chú ý, đối với quy hoạch giao thông, các công trình giao thông, dự thảo luật cần thiết kế theo hướng tạo quỹ đất phát triển các khu đô thị, tái định cư, các công trình hạ tầng giao thông theo các hướng tuyến giao thông.

Bộ TN&MT - cơ quan soạn thảo đã báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ về một số nội dung: Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hình thức giao đất, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập; trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê đất; trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất liên quan đến các đối tượng thuốc lực lượng vũ trang; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc thoả thuận về quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện đối với doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn; quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Tiếp thu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng" - Ảnh 1
Dự án luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. 

Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự án luật được đưa ra.

Trong đó, nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc quản lý sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết 18 như: Vấn đề hoàn thiện các quy hoạch, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án sử dụng đất và những vấn đề liên quan đến cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, cơ chế, chính sách quản lý sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích…

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Dự án luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là dự án luật được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp và kỳ họp thứ 5 sắp tới sẽ là lần thứ 2 Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bên cạnh đó, quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, phải hướng tới phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; rõ phạm vi quyền hạn từng cấp, từng ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tránh phiền hà, chi phí không đáng có.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện quản lý đất đai; kết hợp chuyển đổi số trong quản lý đất đai với chuyển đổi số trong quản lý dân cư và cơ sở dữ liệu về dân cư; tiếp tục rà soát các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệp quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 8/4/2023, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính đất đai, giá đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chế độ sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Trong đó, hơn 1,1 triệu ý kiến về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hơn 1 triệu ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hơn 979.000 ý kiến về tài chính đất đai, giá đất; hơn 888 nghìn ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Tiếp thu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới