Chủ nhật, 24/11/2024 09:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/08/2023 06:00 (GMT+7)

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

“Đất mỏ” Quảng Ninh có đầy đủ các nguồn lực và động lực để phát triển bền vững và toàn diện.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 1
Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 2

Đã có quá nhiều bài viết ca ngợi Quảng Ninh đẹp, Quảng Ninh giàu, Quảng Ninh có bề dày thành tích dựng nước, giữ nước và nhiều điều tốt đẹp khác về mảnh đất con người Quảng Ninh. Vì vậy, tôi không dám và không thể viết hay hơn mà trong bài viết này chỉ nêu những ấn tượng, những điều có vẻ “lạ” mà tôi thu thập đươc, cảm nhận được về tỉnh địa đầu Tổ quốc này.

Quảng Ninh có những địa danh gây ấn tượng cho nhiều người, trong đó có tác giả bài viết này. Lứa tuổi trên dưới 70 của chúng tôi còn nhớ mãi địa danh Móng Cái được in trong sách giáo khoa giai đoạn đầu sau khi Miền Bắc được giải phóng, đó là câu thơ: “Học đi em, học đi mà nhớ mãi. Đất nước ta một dải, từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái” với cái tên Móng Cái mà mãi sau này tôi mới biết là địa danh ở Quảng Ninh. Địa danh Vân Đồn-Cửa Lục nhắc tôi nhớ về bài học lịch sử gắn liền với danh tướng Trần Khánh Dư, người chỉ huy trận đánh oanh liệt, cướp và đốt đoàn thuyền chở lương thực của giặc Nguyên do tướng Trương Văn Hổ cầm đầu.

Quảng Ninh nổi tiếng với những mỏ than có cái tên dễ nhớ như Hà Tu, Hà Lầm, Cọc Sáu, Mông Dương,…và một thị xã trước đây có cái tên nhiều người gọi khác nhau: Hòn Gai/Hồng Gai.

Hiện nay Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có tới 4 thành phố trực thuộc là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái, đáng chú ý, TP.Hạ Long là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam và TP.Cẩm Phả là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách lớn nhất Việt Nam.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 3
Trong mắt người dân Việt Nam và du khách quốc tế, Quảng Ninh là điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Huy Tình.

Tất nhiên, không thể không nhắc tới hai vịnh đẹp tầm cỡ thế giới đó là Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long với hàng nghìn hòn đảo rất đẹp và hệ sinh thái đa dạng. Vịnh Hạ Long còn được vinh danh, xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia (từ 1962), được  Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu (năm 1994) về mặt thẩm mĩ và được công nhận là Di sản Thế giới theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất với hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo caxtơ. Đặc biệt, trong một cuộc bỏ phiếu bầu chọn, nhiều người đã chọn Vịnh Hạ Long là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Đặc biệt, một địa danh ở Quảng Ninh mà nhiều người biết và muốn một lần được đặt chân đến trong đời, đó là Đỉnh thiêng Yên Tử nơi đặt Chùa Đồng rất đỗi linh thiêng. Chùa Đồng có bề dày lịch sử khá dài và liên tục được tu chỉnh.

Khi nói đến một vùng đất, người ta hay nói đến dấu ấn về thể thao, văn nghệ ở đó. Cách đây mấy chục năm, Quảng Ninh có đội bóng đá nam Than Quảng Ninh tranh tài cùng các đội lẫy lừng như Thể Công, Đường Sắt, Công an Hà Nội và mặc dù thăng trầm nhưng đội bóng này có khoảng thời gian tồn tại khá lâu và còn đậm dấu ấn trong thế hệ già như chúng tôi (trên dưới 70 tuổi). Quảng Ninh còn có đội bóng chuyền nữ nổi tiếng một thời với các tên khác nhau như Than Hòn Gai, Than Quảng Ninh, Quảng Ninh,… và bây giờ là Than Quảng Ninh. Quảng Ninh hiện có câu lạc bộ bóng đá nữ với cái tên Than Khoáng sản Việt Nam và đặc biệt ấn tượng là các đội bóng đá nữ của chị em dân tộc Sán Chỉ mặc váy đá bóng, đang được nhắc đến như là hiện tượng đẹp.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là ca hát, Quảng Ninh là cái nơi ươm mầm ca sĩ, cống hiến cho đất nước những giọng ca nổi tiếng như cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSUT Hoàng Tùng,…mà mỗi lần nhắc đến lại nhớ tới bài ca đi cùng năm tháng như Xa khơi (NSND Lê Dung hát) hay Tôi là người thợ lò do NSND Quang Thọ hát.

Tôi được đến Quảng Ninh lần đầu là năm 1969, khi đang là sinh viên đi thực tập về khí tượng. Địa điểm thực tập chính là ở Đài Khí tượng Phù Liễn, Hải Phòng nhưng chúng tôi cũng cố ra thăm Đài Khí tượng Quảng Ninh ở Bãi Cháy, trên ngọn đồi mà dưới chân đồi là Bến phà Bãi Cháy.

Năm 1995, Khoa Môi trường được thành lập ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội và ngay những năm sau đó khoa đã mở được những lớp đào tạo từ xa mà Quảng Ninh là một trong tỉnh đi đầu (cùng Hải Phòng, Hải Dương) tổ chức lớp tại Bãi Cháy. Khoa đã cử nhiều cán bộ giảng dạy (trong đó có tôi) xuống dạy các lớp này và các sinh viên Quảng Ninh đã để lại ấn tượng tốt về tính ham học, nghiêm túc. Tốt nghiệp khóa học nhiều sinh viên đã làm việc ở nhiều ngành, giữ nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, trong đó có cả một lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Tôi hy vọng chút kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường tiếp thu được ở khóa học này sẽ giúp được họ trong nhiều công việc, đặc biệt là gìn giữ môi trường trong lành, đáng sống của Quảng Ninh hôm nay và mai sau.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 4
Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Huy Tình.

Tôi cũng đã có thời gian nghiên cứu nhiều đề tài trên đất Quảng Ninh như đo bụi lắng vùng ven bờ từ Bãi Cháy đến Cửa Ông; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhiều mỏ than trong đó có cả mỏ Đồng Vông-Uông Thượng do một doanh nghiệp Indonesia khai thác hay tham gia cùng đoàn chuyên gia nước ngoài do Ngân hàng Thế giới (WB) mời đến đánh giá khả năng tác động của nhà máy nhiệt điện Mông Dương và mới đây  là tham gia dự án nghiên cứu về rác thải nhựa từ đánh bắt và nuôi trồng hải sản của ngư dân Quảng Ninh.

Có lẽ, phải là người đã từng đến Quảng Ninh từ những năm trước 1975 mới nhận biết được sự đổi thay kỳ diệu của đất mỏ thân yêu. Nhiều, nhiều lắm những đổi thay về cơ sở hạ tầng, về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, về mức sống của nhân dân không ngừng được cải thiện,…đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin, truyền thông nên không cần nhắc lại. Đến Quảng Ninh bây giờ chúng ta như lạc vào nơi khác, có chỗ như một thành phố bên châu Âu, có chỗ lại có phong cảnh đẹp như ở Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,… và con người Quảng Ninh thì luôn sống hết mình, nỗ lực làm việc và rất thân thiện với khách đến thăm đất Mỏ.

Tuy nhiên, với tôi có hai sự đổi thay mà tôi có ấn tượng nhất, đó là chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể, không còn cảnh bụi than khắp nơi như những năm trước 2010. Đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, lưu giữ (kho bãi) than đã thay đổi công nghệ (dùng đường sắt, dùng băng chuyền để vận chuyển than), chú trọng vệ sinh môi trường, ngăn chặn bụi than lan truyền ra môi trường, ra cộng đồng. Các nhà máy nhiệt điện, xi măng đã tuân thủ luật pháp bảo vệ môi trường, lắp đặt những thiết bị xử lý bụi, xử lý SO2 với hiệu suất cao đã giảm được mức thải, đạt quy chuẩn quốc gia.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 5

Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh có mức độ phát triển kinh tế nhanh và đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Năm 2020, GRDP của Quảng Ninh đạt gần 219,4 nghìn tỷ VND (tương ứng 9 tỷ USD), đứng thứ 3 vùng Đồng bằng Sông Hồng (sau Hà Nội, Hải Phòng). Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng GRDP hàng năm của Quảng Ninh đạt 8,9%, đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020 Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân GRDP 10,7%/năm mặc dù thời gian này có những năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng sản phẩm bình quân đầu người của Quảng Ninh năm 2022 ước tính là 198.8 triệu đồng một người (theo Niên giám thống kê 2022). Đây là mức thu nhập rất cao, thuộc nhóm cao nhất cả nước, chứng tỏ được khả năng phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng của Chính quyền địa phương và sự cố gắng lớn của các ngành, các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, các doanh nghiệp và của toàn thể nhân dân Quảng Ninh.

Vậy, thời gian tới, có thể lấy mốc từ 2021 hoặc 2022 đến 2030 và xa hơn nữa Quảng Ninh có còn tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay không, động lực phát triển, mục tiêu phát triển là gì, ở mức nào và nguồn lực phát triển có đảm bảo tốc độ phát triển cao hay không cần được đánh giá làm rõ. Chúng tôi thực sự không thể thực hiện việc đánh giá này được mà chỉ phân tích hai khía cạnh sau đây qua tham khảo nhiều tài liệu đã được công bố.

Có thể coi Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 được thể hiện trong Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là QH Quảng Ninh) là động lực phát triển mạnh mẽ của tỉnh:

Giai đoạn 2021-2030: “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế”.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 6

Đến năm 2050: “Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh”.

Đi kèm mục tiêu chung này là những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể và có tính khả thi cao. Về quy mô dân số, quy hoạch tỉnh đưa ra mục tiêu năm 2025: khoảng 1,975 triệu người, năm 2030: khoảng 2,64 triệu người. Về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP  bình quân (Phân kỳ 2021-2025; 2026-2030) năm 2025 là 10% và phấn đấu năm 2030 cũng đạt 10%. Đây là mức tăng trưởng cao đòi hỏi phải phát huy được hết các nguồn lực (thể chế, vốn tự nhiên, vốn con người, vốn sản xuất) mới có thể đạt được.

Về mức sống, Quảng Ninh phấn đấu đạt GRDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 11.000 - 12.000 USD, năm 2030: 19.000 đến 20.000 USD một người (Giả định tỷ giá USD:VND là 25.809 vào năm 2025 và 27.804 vào năm 2030 theo Ngân hàng Phát triển Châu Á Giả định lạm phát toàn nền kinh tế hằng năm từ 2020-2030 là 5%). Chúng ta đợi và hy vọng được chứng kiến mức thu nhập của người dân, mức sống của người dân Quảng Ninh sẽ cao tương ứng. Về lĩnh vực kết cấu hạ tầng: tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt khoảng 73,5%, đến năm 2030 đạt trên 75% với tỷ lệ dân số (đô thị ) được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 99%.

Chúng tôi rất ấn tượng với mục tiêu về lĩnh vực môi trường với tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 khoảng 55% những năm sau đó có thể giảm nhưng luôn giữ mức trên 50%.; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn tại các đô thị, các xã đảo, xã có hoạt động du lịch, dịch vụ trên 99%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn tại các khu vực nông thôn năm 2030 là 90%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị tập trung (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) năm 2025 đạt >65% và đến năm 2030 đạt >70%; tỷ lệ KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đạt 100%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung năm 2030 đạt 100 %;…

Như vậy động lực để Quảng Ninh phát triển rất rõ ràng, đó là trở thành tỉnh có tốc độ phát triển cao để nhanh chóng đạt được mức GRDP cao, các ngành phát triển kinh tế cân đối, mức sống người dân cao, bảo vệ được môi trường để phát triển bền vững.

Để có thể biến động lực phát triển thành những hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên cần phải đánh giá xem xét về các nguồn lực, nguồn vốn cụ thể, liệu có thể giúp hoàn thành mọi mong muốn như vậy không. Chúng ta sẽ xem xét nguồn lực cụ thể sau:

Nguồn lực về vị thế, tài nguyên thiên nhiên: Quảng Ninh là tỉnh lớn, diện tích trên 12.000 km2, bao gồm 6.206,9 km2 đất liền và diện tích mặt biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố. Quảng Ninh có đường biên giới với nước láng giềng trộng lớn có dân số và thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, có cả biên giới trên bộ với các cửa khẩu giao thương thuận lợi, có cả cảng biển tàu bè nước bạn và Việt Nam có thể dễ dàng vào ra. Đây là lợi thế rất lớn của Quảng Ninh.

Quảng Ninh có nhiều loại tài nguyên đã, đang và sẽ được khai thác hiệu quả trong tương lai. Về khoáng sản, Quảng Ninh có “bể than” với trữ lượng lớn ước tính là 8,8 tỷ tấn, trải dài từ Đông Triều đến Cẩm Phả, có khoảng 3,6 tỷ tấn nằm ở độ sâu dưới 300m. Trong giai đoạn 2021-2030 chắc chắn Quảng Ninh phải đảm nhận phần lớn mục tiêu: “Phấn đấu sản lượng than nguyên khai toàn ngành (không kể than bùn) khoảng 46-53 triệu tấn năm, tương ứng khoảng 41-47 triệu tấn than thương phẩm/năm” nêu trong Quyết định 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023. Quảng Ninh còn có khoáng sản khác như đá dầu (hầu như là duy nhất ở Việt Nam) tại Đồng Ho, trữ lượng khoảng 4,21 triệu tấn và có nhiều mỏ nước khoáng có giá trị.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 7

Quy hoạch Quảng Ninh còn chỉ ra nguồn tài nguyên biển rất to lớn đảm bảo phát triển các ngành kinh tế biển cho hiệu quả cao như phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn. Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận -Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Các bãi biển như Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn có lợi thế trở thành những điểm thu hút khách du lịch. Hệ thống tuyến đảo trên biển với các cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật phong phú, quý hiếm có giá trị phát triển các loại hình du lịch biển đảo khám phá, mạo hiểm.

Với tài nguyên rừng, Quảng Ninh có tới 435.932 ha thuộc quy hoạch với ba loại rừng, có độ che phủ đạt 55%. Rừng Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết và bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao cho công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu (QH Quảng Ninh).

Ngoài ra Quảng Ninh còn có tài nguyên đất, tài nguyên nước cùng một số tài nguyên thiên nhiên khác đã và đang được khai thác phục vụ phát triển chung của tỉnh.

Về tài nguyên con người: Đây là loại tài nguyên sẽ đóng góp tỷ lệ cao nhất vào cơ cấu GDP. Những nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra quy trình tính các nguồn vốn của các quốc gia có thể đóng góp vào GDP và tính cho các quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam. Các giá trị nguồn vốn được tính cho khoảng thời gian dài (thường là 10 năm) và tính bằng đơn vị tiền tệ (USD) trên đầu người trong phạm vi một quốc gia hoặc một địa phương cụ thể. Kết quả tính cho thấy mức đóng góp của vốn con người chiếm cỡ 60 đến 80% trong tổng đóng góp của toàn bộ vốn, tùy thuộc vào các nhóm quốc gia giàu nghèo khác nhau.

Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3) - Ảnh 8
Ảnh: Huy Tình.

Ở nhóm nước nghèo thì vốn con người chỉ đóng góp vào GDP cỡ 60%, vốn tài nguyên thiên nhiên chiếm cỡ 20-30% còn ở nước rất giàu thì vốn tài nguyên thiên nhiên chỉ đóng góp cỡ vài % còn vốn con người lên đến cỡ trên dưới 80%. Tôi rất muốn có dịp tính thử các nguồn vốn phát triển cho Quảng Ninh (như đã tính cho Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Trị) để có thể hình dung mức đóng góp của tài nguyên nhân lực một cách định lượng.

Nhưng có thể thấy, Quảng Ninh mang nhiều giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, đặc sắc, đồng thời là một trong những "cái nôi" của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của công nhân vùng Mỏ với di sản tinh thần vô giá "Kỷ luật và Đồng tâm", cùng với “tác phong công nghiệp” không dễ có được. Và như vậy, con người Quảng Ninh với những chính sách phát triển, đào tạo đúng hướng và truyền thống vốn có sẽ đóng góp tỷ lệ lớn vào mức RGDP của tỉnh trong thời gian qua và cả trong giai đoạn tiếp theo. Tôi rất tin vào điều này khi nhận thấy Đảng và Chính quyền các cấp ở Quảng Ninh rất chú trọng công tác “trồng người”, công tác thu hút và sử dụng người có tài có đức, có tâm để gia tăng tốc độ phát triển và phát triển bền vững.

Về tài nguyên sản xuất, Quảng Ninh đã xây dựng được cơ sở hạ tầng khang trang với những con đường cao tốc nối với các địa phương Hải Phòng, Hà Nội và vươn xa hơn nữa. Quảng Ninh đã có sân bay quốc tế Vân Đồn có thể kết nối với nhiều sân bay trong và ngoài nước. Quảng Ninh có mức đô thị hóa cao với 4 thành phố trực thuộc tỉnh, có Khu Kinh tế Vân Đồn, nhiều khu công nghiệp, có nhiều nhà máy nhiệt điện (Uông Bí, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Mông Dương,…), xi măng và nhiều nhà máy xí nghiệp, có cơ sở hạ tầng khai mỏ, chế biến than khá hiện đại. Đây là nguồn vốn, nguồn lực sản xuất to lớn mà nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được.

Xem xét 3 nguồn vốn ở trên có thể thấy Quảng Ninh đã có đủ cơ sở để tăng trưởng nhanh và đạt được các mục tiêu đã được Quảng Ninh xây dựng và được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số: 80/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2023.

Rất mong và xin chúc tỉnh Quảng Ninh phát triển hơn nữa, đạt và vượt những chỉ tiêu đặt ra, đưa Quảng Ninh thành tỉnh giàu mạnh, an toàn thuộc top đầu của đất nước, để nhân dân Quảng Ninh được sống cuộc sống sung túc, mảnh đất Quảng Ninh trở thành mảnh đất đáng sống đối với mọi người. Đây cũng là lời kết của bài viết này.

Nội dung: GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường
Đồ họa: Hải An

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh - Những dấu ấn và nguồn lực để phát triển bền vững (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới