Quảng Trị: Tưng bừng lội bùn bắt cá ở lễ hội phá trằm Trà Lộc
Ngày 3/9, hàng trăm người dân địa phương và du khách từ khắp nơi háo hức tập trung về trằm Trà Lộc ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) để tham gia lễ hội phá trằm bắt cá.
Lễ hội phá trằm Trà Lộc có từ hơn 300 năm trước và được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu.
Người dân địa phương cho rằng, trằm (từ địa phương, nghĩa là bàu nước) do trời đất ban tặng, do vậy sau một năm làm lụng vất vả bà con nông dân được “phá trằm”, mang chút phước lộc của trời đất về cho mình, để được may mắn trong năm.
Gọi là “phá trằm” nhưng thực chất chỉ là việc xả nước bắt cá làm thực phẩm trong những ngày mùa vất vả, qua đó vừa cải tạo lòng hồ, vừa thay thế nguồn nước mới làm cho môi trường được đảm bảo hơn. Và đặc biệt, là để duy trì lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của nhân dân trên địa bàn.
Năm nay, lễ hội phá trằm Trà Lộc được tổ chức vào ngày 3/9. Hàng trăm người dân địa phương và du khách từ khắp nơi háo hức tập trung về trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) tham gia lễ hội phá trằm để bắt cá.
Dụng cụ người dân mang theo tham gia lễ hội như chơm, rớ, vợt, rổ, rá cùng oi đựng cá. Hàng trăm người dân chỉ được phép xuống trằm bắt cá sau khi các cụ cao niên của làng thực hiện xong phần lễ cáo giang sơn. Lễ hội phá trằm của làng Trà Lộc, nhưng người dân của làng khác và du khách cũng được tham gia lội bùn bắt cá.
Lễ hội độc đáo này là hoạt động văn hóa của làng Trà Lộc nhiều năm nay. Hằng năm các cụ cao niên trong làng chọn ra một ngày trung tuần tháng 8 âm lịch tổ chức lễ hội. Gần đây, ngày đó được các cao niên tính toán phù hợp hơn, có thời gian từ trung tuần tháng này trở về cuối, nhưng phải đúng vào ngày cuối tuần để không chỉ người dân, mà còn con em của làng đang học tập, công tác muôn nơi có thời gian về quê cùng tham gia lễ hội.
Trước ngày phá trằm, trưởng làng phải thông tin sự kiện này rộng rãi để mọi người biết cùng tham gia. Ngoài quan niệm dự lễ hội phá trằm để lấy lộc; cải thiện bữa ăn cho dân làng; phá trằm còn là dịp để nạo vét, vệ sinh, thay đổi nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch. Người dân và du khách chỉ được dùng tay và các dụng cụ như chơm, lưới, vợt, rổ, rá…bắt cá chứ không được dùng xung điện
Quang Trường